Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Huy Cận

ANTD.VN -Sáng nay 30-5, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ, lão thành cách mạng Huy Cận (31-5-1919/31-5-2019). 

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo một số bộ ngành, các văn nghệ sĩ, trí thức ở Hà Nội

Nhà thơ Huy Cận tên đầy đủ là Cù Huy Cận, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và truyền thống yêu nước ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh).

Năm 1942, nhà thơ Huy Cận tham gia phong trào Mặt trận Việt Minh. Cách mạng tháng Tám thành công ông lần lượt giữ nhiều trọng trách quan trọng. Ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ lâm thời gồm Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận vào kinh đô Huế, tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại.

Huy Cận và Xuân Diệu cặp bài trùng trong thi ca

Năm 26 tuổi, ông làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Từ đó, ông liên tục giữ các trọng trách trong Chính phủ cho đến lúc nghỉ hưu...

Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ mới. Phong cách và tầm vóc nhà thơ Huy Cận qua từng thời kỳ, toàn bộ hành trình thơ cùng những đóng góp của Huy Cận cho thơ Việt Nam hiện đại đã được thể hiện qua những đóng góp trên phương diện lý thuyết, hoạt động thực tiễn, ứng xử trước yêu cầu của thời đại, dân tộc và quốc tế.

Qua đối ngoại văn hóa, ông đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng của nhà hoạt động chính trị, kiến thức uyên bác của nhà hoạt động văn hóa tài ba, góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bè bạn thế giới và đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc...

Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn chia sẻ: “Kể về nền thơ đương đại Việt Nam người ta không quên nhắc đến Huy Cận. Nhắc đến Huy Cận người ta không quên nhớ đến Lửa thiêng- một hiện tượng thơ ca có tiếng vang lớn vào năm 1940".

Giáo sư Hà Minh Đức từng chỉ rõ: “Trong phong trào thơ mới Huy Cận nổi lên như một kiện tướng. Xuân Diệu- Huy Cận, cặp bài trùng ấy thường được đánh giá như cặp đôi sáng giá nhất trong thơ mới. Xuân Diệu tươi trẻ, rất mới trong sáng tạo, dồi dào thi tứ. Khác biệt Huy Cận là tiếng thơ trầm lắng về ý tưởng, bâng khuâng xao động vui buồn trong thi tứ…”

Tại lễ kỷ niệm sáng nay, rất nhiều tham luận đã được trình bày, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu… đã cùng nhau nhìn lại những đóng góp nhà thơ Huy Cận cho văn hóa, văn học nước nhà, đồng thời phân tích, tìm hiểu, khai thác giá trị từ di sản mà ông để lại.