Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh danh họa Nguyễn Sỹ Ngọc

ANTD.VN - Ngày 25/12 tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cây đại thụ - họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc (25/12/1918 - 25/12/2018). Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT vào năm 2000. 

Trong cuộc đời, sự nghiệp của mình, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc luôn miệt mài sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu mỹ thuật. Dù gặp phải những khó khăn, cản trở nhưng ông đều vững tâm vượt qua, đứng vững trên con đường sáng tạo, để lại những tác phẩm hội họa đẹp cho đời.

Nổi bật nhất trong các sáng tác của Nguyễn Sỹ Ngọc là các tác phẩm thể hiện hình tượng người lính quân đội nhân dân Việt Nam, tình quân dân cũng như cảnh lao động sản xuất của công nhân ở vùng than. Ngoài ra, ông còn làm công việc vẽ tranh minh họa cũng như tham gia viết bài về các đề tài mỹ thuật.

Tác phẩm sơn mài "Tình quân dân" (Bát nước" của Nguyễn Sỹ Ngọc

Trong đó, hình tượng anh bộ đội và chủ đề tình quân dân đạt tới đỉnh hoàn hảo ngay từ năm 1949 với bức sơn mài "Bát nước". Bố cục hình và màu nền đều hoành tráng chỉ với 2 nhân vật điển hình hết sức thật, cô đọng và xúc động. Tới mức, người xem buộc phải nhớ ngay tới anh bộ đội ấy và người mẹ ấy khi mường tượng về anh lính và người mẹ thời kháng chiến chống Pháp cũng như về tình quân dân như cá với nước và đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt. 

Tác phẩm "Đổi ca" của cố họa sỹ

Theo nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, anh bộ đội của Sỹ Ngọc không anh hùng hóa, bi tráng hóa như ở Nguyễn Sáng hay Bùi Xuân Phái. Có vô số tác giả thể hiện công nông binh-con người mới giống Sỹ Ngọc nhưng Sỹ Ngọc lại độc nhất và khác hẳn trong số đông na ná nhau ấy. Nhìn rộng ra, phong cách hiện thực XHCN ở Sỹ Ngọc có da thịt Việt, rất Việt Nam. 

Danh họa Sỹ Ngọc

Trong những mảng sáng tác của cố họa sĩ Sỹ Ngọc, người ta không thể nhắc đến một lĩnh vực đặc biệt: Nghệ thuật minh họa báo chí. Cùng với các đồng nghiệp, đồng niên như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao, Nguyễn Văn Tỵ, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến… họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc vẫn có một đóng góp đặc sắc và riêng biệt cho nghệ thuật minh họa báo chí Việt Nam từ những năm tháng ấy.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn nhận xét, Sỹ Ngọc sống nặng tình tri kỷ tri âm với bạn bè văn nghệ cùng thời. Ông có biệt tài ghi giữ trong trí nhớ những nét cô đọng nhất về tính cách, dung mạo, nghiệp phận của một Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư, Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Kim Lân, Tế Hanh, Xuân Quỳnh…
Tác phẩm minh họa Chí Phèo của Nguyễn Sỹ Ngọc
Chỉ cần vài nét xuất thần, hóm hỉnh và sắc sảo từ ngọn bút của ông, họ đã hiển lộ, bỏ mặc sự nghiệt ngã vô tình của thời gian để lẳng lặng hóa thạch, như những giá trị chính sử miên viễn trong cuốn đại sử ký bằng tranh của nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Trong quá trình công tác, ông đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam. Năm 2001,họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cho 4 tác phẩm: Tình quân dân (Bát nước) (1949), Đổi ca (1962), Chiến dịch Điện Biên Phủ (1980); Đèo nai (1965).

Vào chiều ngày 25-12 tại Bảo tàng Mỹ thuật đã diễn ra triển lãm các tác phẩm hội họa tiêu biểu của danh họa Nguyễn Sỹ Ngọc. Triển lãm trưng bày hơn 70 tác phẩm gồm thể loại sơn dầu, sơn mài, tranh nude nghiên cứu, ký họa… “một thời hoa đỏ” của phương pháp được đề cao thời gian phụng sự kháng chiến – lao động để hòa bình, thống nhất đất nước. Một số các tác phẩm này hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (30 bức các chất liệu).

Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc (1918 – 1990) tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XIII (1939 – 1944). Ông tham gia cách mạng ngay sau khi tốt nghiệp, và dành toàn bộ cuộc đời để sáng tạo phục vụ cách mạng. Sau kháng chiến chống Pháp thành công, ông trở thành giảng viên của Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó chuyển sang Tổ sáng tác gồm bảy họa sỹ danh tiếng ngay lúc đó và trở thành các danh họa đối với thế hệ sau của Hội Mỹ thuật. Năm 1973 đến 1978, ông chuyển sang làm việc tại Báo Văn Nghệ (minh họa văn học, viết bình luận mỹ thuật) cho đến khi nghỉ hưu.