Kỳ nghỉ định mệnh của vợ chồng cô giáo trẻ

ANTĐ - Kể từ ngày cưới nhau cách đây 10 năm, dịp 2-9 vừa rồi là cơ hội đầu tiên để 2 vợ chồng anh Nguyễn Văn Luân đi du lịch và cùng ôn lại những kỷ niệm. 18h39 ngày 1-9, vợ anh - chị Phan Thị Hương Giang rút điện thoại gọi về cho đứa con gái lớn rồi bảo chồng: “Sang năm, nhà mình cố thu xếp để cho 3 đứa nhỏ đi cùng”. Nào ngờ, ước mong ấy vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực.

Anh Luân và con trai trước bàn thờ vợ

Tuyệt vọng bên vực thẳm

Sáng 3-9, người dân thôn Thuận Tiến, xã Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) đau xót tiễn đưa cô giáo Phan Thị Hương Giang về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong vụ tai nạn xe khách thảm khốc xảy ra tại địa phân xã Tòng Sánh, huyện Bát Xát (Lào Cai) vừa qua, 2 vợ chồng anh Luân đều là nạn nhân. May mắn hơn người vợ xấu số, anh Luân bị văng ra khỏi cửa kính ngay khi chiếc xe lật vòng đầu tiên. Cả đời anh sẽ không thể quên cảm giác kinh hoàng khi phải nằm bất động trên triền dốc giữa đêm đen, tuyệt vọng nhìn chiếc xe mang theo vợ mình lăn ầm ầm xuống khe núi.

Mặc chân trái bầm tím và sưng vù, toàn thân băng bó vì những vết thương nhưng anh Luân nhất định không chịu thực hiện ca mổ cho dù các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức đã yêu cầu anh phẫu thuật ngay tại Lào Cai. Anh nằng nặc bảo: “Tôi phải đưa vợ tôi về nhà, lo liệu tang lễ cho cô ấy xong xuôi rồi mới tính”. Vụ tai nạn đã cướp đi của anh người vợ mà mới chỉ vài phút trước vẫn còn ríu rít bên chồng. Chúng tôi ra bến lúc 17h30 - anh Luân nhớ lại - trước đó cô nhân viên nhà xe cho biết đã hết vé về Hà Nội. Nhưng rồi, có một cặp vợ chồng nào đó đã đặt vé trước trên chuyến xe này lại gọi điện thông báo hủy chuyến. Vì thế chúng tôi được bố trí trám vào vị trí vừa bị hủy. Xe chuyển bánh lúc 18h, khoảng 40 phút sau, khi đang lơ mơ, tôi nghe loáng thoáng phía trên đầu xe tiếng kêu thất thanh của ai đó rằng, xe mất phanh. Thế rồi ầm một tiếng, chiếc xe như bị giáng cho một cú đập cực mạnh, tôi thấy mình bắn lên trần xe trong trạng thái nửa mơ nửa tỉnh. Chỉ trong chớp mắt, cảm giác toàn thân đau ê ẩm, tôi bị văng ra ngoài và lăn lông lốc nhiều vòng trên triền dốc. Quả thực tôi cũng không hiểu mình bị bắn ra khỏi xe bằng cách nào, xung quanh tối đen, tôi còn nghe rõ những tiếng rầm rầm của chiếc xe cùng những vật dụng, hành lý và mảnh vỡ đang lăn nhiều vòng xuống phía dưới.

Nằm bất động một lúc lâu vì choáng váng và hoảng loạn, toàn thân đau nhức, anh Luân vừa gọi tên vợ vừa cố gắng xoay người bò lên mặt đường. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng, rải rác quanh đó là 4-5 người khác nằm bất động. Rồi anh thấy phía trên những ánh đèn loang loáng, tiếng người lao xao, cố hết sức anh cất tiếng kêu cứu. “Bỗng một thanh niên xuất hiện, anh ta hỏi tôi có bị gãy xương không, tiếp đến là 3-4 người khác leo xuống, họ kéo tôi lên được mặt đường. Lúc đó tôi vẫn còn nhận ra vị trí mình nằm cách mặt đường khoảng 20m” - anh Luân nói. Sau khi được đưa lên miệng vực, anh Luân cầu khẩn nhóm người cứu nạn tìm giúp vợ mình.

Rùng mình đi tìm con

Đêm hôm ấy, cả Bệnh viên đa khoa Lào Cai nhốn nháo, các bác sĩ chạy đi chạy lại như con thoi, xe cứu thương liên tục hú còi. Anh Luân nằm trên giường cấp cứu mà ruột nóng như lửa vì vẫn không có tin tức gì về vợ. Không hiểu sao lúc ấy bao nhiêu số điện thoại của người thân anh bỗng quên sạch, mãi về sau anh mới nhớ lại được số của cô em gái và mượn điện thoại gọi về nhà thông báo. 

Nửa đêm nhận tin dữ của con trai, cụ Nguyễn Văn Tuy vội vàng gọi người nhà tức tốc thuê xe chạy lên Lào Cai ngay trong đêm. Cụ rùng mình nhớ lại cảm giác đi tìm con khắp các bệnh viện: “Tôi gặp cháu Luân đang nằm trong phòng cấp cứu, nhưng con dâu thì bặt vô âm tín. Mấy bố con nháo nhào chạy khắp các bệnh viện khác để tìm nhưng không thấy. Có nhiều gia đình cũng rối bời đi tìm người thân như chúng tôi. Cuối cùng, một cán bộ y tế khuyên tôi thử vào nhà xác của Bệnh viện đa khoa Lào Cai hỏi”. Mặc dù đã gần 70 tuổi, nhưng với cụ Tuy, có lẽ việc đi dọc 12 chiếc cáng trong nhà lạnh để lật từng chiếc khăn phủ tử thi tìm con là cảm giác khủng khiếp nhất đời mình. Khi mở đến chiếc cáng thứ 4 thì cụ bủn rủn chân tay. Chị Giang nằm đó như đang ngủ, dưới chân là mảnh giấy ghi: “Tử vong vì đa chấn thương”. Chuyến du lịch của 2 vợ chồng kết thúc đầy bi thảm.

Khi anh Luân cùng gia đình đưa thi thể vợ về Hà Nội, trên người chỉ còn duy nhất bộ quần áo của bệnh viện. Toàn bộ hành lý, tiền bạc đều mất sạch. Thậm chí cả điện thoại của 2 vợ chồng cùng nữ trang trên người chị Giang cũng không còn. “Chúng tôi được nhà xe Sao Việt hỗ trợ 16 triệu đồng thì riêng việc mua áo quan và thuê xe đưa thi thể cháu về Hà Nội đã hết 18 triệu đồng. Ngoài ra chưa thấy ai nói đến việc bồi thường thiệt hại sẽ như thế nào. Chỉ tội cho 3 đứa nhỏ bây giờ mất mẹ, một mình bố nó không biết tới đây sẽ xoay xở nuôi nấng chúng nó ra sao” - cụ Tuy cho biết.

Đầu quấn khăn trắng, bé Nguyễn Trà My vẫn chơi cùng hai đứa em mới hơn 2 tuổi. Còn quá nhỏ, các cháu vẫn chưa biết rằng mẹ của chúng đã vĩnh viễn ra đi. Anh Luân bảo: “Lo việc tang cho vợ xong, chiều nay tôi phải vào bệnh viện để mổ chiếc chân. Các bác sĩ cho biết toàn bộ phần cơ đã bị dập nát, không biết rồi sau đó sẽ phải nằm viện bao lâu. Lũ trẻ bây giờ đành phải nhờ ông bà trông nom”.