Kỹ năng sống còn khi lái xe trên đường cao tốc

ANTĐ - Các chuyên gia thuộc Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã đưa ra các khuyến cáo về nguyên tắc an toàn cho lái xe, trước khi đi vào đường cao tốc.

Chú ý các quy tắc an toàn

Hiện toàn quốc đã có một số tuyến cao tốc cho phép xe chạy với với tốc độ tối đa 120km/h như: Hà Nội - Hải Phòng, TP. HCM - Long Thành - Giầu Giây… Tuy nhiên, nhiều lái xe chưa trang bị cho mình những kiến thức khi chạy xe với tốc độ cao.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thuộc Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) lái xe vào đường cao tốc cần tuân thủ một số nguyên tắc an toàn.

Kiểm tra áp suất lốp trước khi đi đường cao tốc là cần thiết

Cụ thể như, trước khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc, hãy dành thời gian để xem bản đồ cung đường như thế nào, đặc biệt là các nút giao, đường nhánh, xác định địa điểm mà định đi đến; Kiểm tra kỹ thuật xe, đặc biệt là hệ thống phanh, hệ thống điều khiển, không lái xe khi đã hết hạn đăng kiểm;  Không được lái xe nếu đã uống rượu, bia hoặc các loại thuốc có tác dụng ức chế; Thắt dây an toàn đối với cả người điều khiển và người ngồi trên xe; Vững tay lái, tránh thay đổi tốc độ và hướng đi đột ngột. Hết sức tập trung trong chuyến hành trình trên đường cao tốc.

Cần đặc biệt quan tâm tới các quy tắc an toàn khi chạy xe trên đường cao tốc

Bên cạnh đó, giảm tốc độ từ từ phù hợp, đặc biệt ở những nơi có biển báo giảm tốc độ, hạn chế tốc độ... Chạy đúng tốc độ tối đa và tối thiểu quy định trên đường cao tốc; Không lùi xe, quay đầu xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Khi nhập đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, phải cho xe chạy trên làn đường tăng tốc, rồi quan sát đủ điều kiện ATGT mới vào làn đường của đường cao tốc. Còn khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang các làn đường phía bên phải, phải cho xe chạy trên làn đường giảm tốc rồi mới chuyển sang đường nhánh.

Đặc biệt chú ý, chuyển làn cẩn thận và không tuỳ hứng, chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép. Không nên tuỳ tiện chuyển làn kiểu cắt đầu xe khác, chuyển nhiều làn một thời điểm, giữ tốc độ hợp lý và không đi vào điểm mù của xe trước. Khi chuyển làn phải luôn giữ khoảng cách an toàn với các xe phía trước, phía sau và xe bên cạnh.

Chuẩn bị vào đường cao tốc phải có tín hiệu và nhường đường cho xe đang chạy trên cao tốc

Thế nào là khoảng cách an toàn trên cao tốc?

Bà Trần Minh Thu, chuyên viên thuộc Cục Quản lý đường bộ cao tốc cho biết, khi chạy xe tốc độ cao trong tình huống đạp phanh khẩn cấp rất cần khoảng cách an toàn để không đâm vào xe đằng trước. Cần lưu ý giữ khoảng cách với xe đi làn bên cạnh, nhất là khi đang chuyển làn hoặc vượt xe.

Giữ đúng khoảng cách an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc

Hiện nay, trên một số tuyến cao tốc như TP. HCM- Trung Lương, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên đã lắp đặt cụm biển đo khoảng cách 0m-50m-100m  giúp lái xe ước lượng khoảng cách tới xe phía trước. Loại biển này thường được cắm tại vị trí bắt đầu vào đường cao tốc, sau trạm thu phí, điểm vào đường cong và trên mỗi 5km đường thẳng, cầu cạn.

Tuy nhiên, với những tuyến đường chưa lắp đặt hệ thống biển báo này, người lái cần sử dụng “Quy tắc 3 giây” để xác định khoảng cách an toàn. Quy tắc này áp dụng cho mọi tốc độ ở điều kiện đường bình thường. Điểm mấu chốt của quy tắc là tìm một vật cố định bên đường rồi nhẩm đếm thời gian.

Bước 1: Tìm một vật cố định trên đường làm mốc như một biển báo, một cái cây, hoặc một cọc tiêu trên đường, nhưng đừng phân tâm quá mức để tránh gây nguy hiểm cho việc lái xe.

Bước 2: Khi xe phía trước bắt đầu vượt qua mục tiêu, phải bắt đầu đếm chậm rãi 1…2…3… sao cho ứng với 3 giây. Việc đếm này sẽ giúp lái xe đo khoảng cách với xe phía trước.

Bước 3: Nếu xe đi quá mốc trước ba, đồng nghĩa với khoảng cách chưa an toàn, lúc này nên đi chậm lại và thử đếm lại.

Khi xe gặp sự cố hãy điều khiển xe ô tô vào ngay làn đường khẩn cấp và đặt biển cảnh báo nguy hiểm trước, sau xe ôtô để các phương tiện khác lưu thông trên tuyến biết, giúp tránh xe và đảm bảo ATGT. Tiếp đó, điện thoại ngay cho Trung tâm điều hành qua số điện thoại khẩn cấp để được điều xe cứu hộ tới đưa phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm.