Kỹ năng lái xe an toàn trên đường đèo núi

ANTD.VN - "Việc điều khiển phương tiện đi đường đèo, núi, hay đổ đèo, dốc luôn là thách thức không nhỏ đối với lái xe, nhất là những người mới cầm vô lăng. 

Trong những tình huống này, kinh nghiệm là vô cùng quan trọng, trong đó không thể thiếu yếu tố chuẩn bị chu đáo về mức độ an toàn của phương tiện. Trước khi nổ máy, lái xe cần kiểm tra những thiết bị an toàn của xe như phanh, cần gạt nước, hệ thống sưởi, điều hòa, ống xả... phải đang hoạt động trong tình trạng tốt. Bên cạnh đó, lái xe cũng cần chuẩn bị cả săm, lốp dự phòng, các thiết bị sửa chữa xe khi cần. 

Khi xe đổ đèo, lái xe không được chạy quá nhanh tránh tình trạng sử dụng phanh, hãm liên tục gây giật xe, trượt bánh. Phanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi đổ đèo, bởi chỉ cần trượt phanh trong tích tắc là chiếc xe trôi xuống vực, hoặc đâm vào vách núi.

Chạy trên đường đèo, núi bề ngang của đường thường rất hẹp. Nhiều lái xe có thói quen “ôm” vạch chia đường. Điều này sẽ không an toàn khi tuyến đường nhiều xe di chuyển, vừa gây khó chịu cho xe ngược chiều, đồng thời cũng dễ xảy ra tai nạn khi không xử lý kịp lúc xe ngược chiều vào cua.

Trong quá trình đổ đèo cũng như lên dốc, phải đi đúng làn đường, tránh vượt đúng quy định. Độ dốc của đường đèo sẽ hạn chế tốc độ của xe, chính vì vậy cần phải căn thời gian chính xác khi xe vượt và trở lại đúng làn, tránh gây tai nạn. 

Trong điều kiện thời tiết xấu như sương mù, mưa gió, tuyết, lái xe cần đi chậm, chú ý quan sát và bật đèn sương mù và nhớ luôn bám vạch kẻ đường. Thời tiết xấu nguy cơ xảy ra TNGT càng tăng, chính vì vậy lái xe càng phải nâng cao ý thức cảnh giác.

Khi điều khiển phương tiện trên đường đèo, núi, lái xe thường mệt mỏi. Trong trường hợp này lái xe cần chủ động dừng lại, nghỉ ngơi để giữ tỉnh táo, không ngủ gật, tránh gây tai nạn” - Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết.