Kỹ năng cơ bản để thoát khỏi đám cháy trong đêm

ANTD.VN - Gần đây liêp tiếp xảy ra những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng nhiều người nhất là với những vụ cháy xảy ra vào ban đêm. Vậy, có cách gì tránh khỏi sự cố hỏa hoạn và hạn chế thấp nhất thiệt hại?

Có hàng nghìn nguyên nhân dẫn đến sự cố hỏa hoạn, tuy nhiên yếu tố lớn nhất vẫn là sự chủ quan và thiếu ý thức của con người đối với công tác PCCC. Từ những vụ cháy gần đây cho thấy, hầu hết những ngôi nhà xây dạng ống luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, khiến nạn nhân tử vong khi đang ngủ trong nhà vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

Cháy nhà tại phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm, 1 người tử vong

Cháy nhỏ, hậu quả lớn

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào 2h30 sáng 13-7, tại ngôi nhà số 37, ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm đã khiến 4 người tử vong, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn PCCC tại các hộ gia đình. Trước đó, năm 2016 đã xảy ra vụ hỏa hoạn tương tự tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) khiến 5 người trong một gia đình tử vong. Cùng thời điểm, một ngôi nhà ống tại ngõ Lan Bá, quận Đống Đa (Hà Nội) bị cháy đã cướp đi sinh mạng 1 sinh viên.

Điều đáng nói, tất cả các vụ hỏa hoạn trên đều xảy ra trong đêm, đúng vào thời điểm các nạn nhân đang ngủ say. Trong tài liệu khám nghiệm hiện trường của các vụ hỏa hoạn đều có điểm chung là các gia đình để xe máy tại tầng 1 và gần khu vực bếp đun nấu. Hiện trường vụ cháy tại phường Hoàng Văn Thụ có nhiều xe máy nhất, 4 xe đã bị cháy trơ khung sắt. Theo các chuyên gia PCCC, việc để xe máy trong nhà và gần khu vực bếp đun nấu chính là nguyên nhân gây cháy lan, cháy lớn.

Trở lại vụ cháy tại phường Xuân Đỉnh ngày 13-7, thời điểm xảy cháy ngọn lửa đã thiêu rụi 2 xe máy, 1 tủ lạnh và nhiều vật dụng khác trong phòng ở tầng 1, nhưng chủ nhà vẫn không biết. Phân tích tình tiết này, Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 3, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận định: “Chiếc tủ lạnh bị cháy rụi có thể là nguyên nhân khởi phát ngọn lửa do chập điện, sau đó cháy sang các đồ đạc lân cận rồi bén vào xe máy. Khi đó số xăng còn lại trong bình xe máy trở thành chất xúc tác gây cháy lan, cháy lớn, và đặc biệt các thiết bị nhựa làm khói đậm đặc đã nhanh chóng làm người ngủ hít phải và ngất lịm đi dẫn đến tử vong”.

Chị Nguyễn Thu Thủy, người dân sống tại ngõ 205, phường Xuân Đỉnh bàng hoàng kể lại: “Ngọn lửa bùng phát không lớn nhưng các đám khói đen đặc tuôn ra từ các khe ô cửa sổ từ tầng 2 đến tầng 4 nhà nạn nhân. Nhiều người hàng xóm đã tri hô và phá cửa sắt để cứu nạn, nhưng do cửa chắc quá không phá được. Một số người dân đã trèo lên các tầng nhà lân cận để vứt khăn ướt cho nạn nhân nhưng cũng bất thành”. 

Chỉ huy Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo chữa cháy, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết: “Hiện trường 3 vụ cháy xảy ra tại các phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm; Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai và phường Khâm Thiên, quận Đống Đa (Hà Nội) trong thời gian vừa qua đều cho thấy tất cả các ngôi nhà xảy cháy đều có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 30m2, xây dạng ống, bếp đặt phía trong cùng của tầng 1. Nhà nào cũng chỉ có duy nhất lối cửa ra vào tại tầng 1, các tầng trên bịt kín nên khi xảy cháy, khói dẫn theo giếng thang bộ lên trên không thể thoát ra ngoài được. Một lượng lớn khói, khí độc quẩn trong nhà thốc vào các phòng đã làm các nạn nhân nhanh chóng bị ngạt khói”.  

Kỹ năng cơ bản để thoát khỏi đám cháy trong đêm ảnh 2Hiện trường vụ cháy nhà tại Xuân Đỉnh khiến gia đình 4 người tử vong

Cảnh báo hỏa hoạn đối với nhà xây dạng ống

Để hạn chế tối đa hỏa hoạn và thiệt hại do cháy gây ra tại các ngôi nhà xây dựng dạng ống, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cảnh báo: “Đối với nhà dạng ống chật hẹp, tuyệt đối không để xe máy gần bếp và các thiết bị điện. Khi để xe máy trong nhà, chỉ nên đóng cửa có hoa sắt chứ không nên đóng kín cửa kính, cửa cuốn. Trước khi đi ngủ, việc đầu tiên phải kiểm tra, rút phích cắm các thiết bị điện không sử dụng, kiểm tra nơi đun nấu để ngắt bếp từ, khóa van bếp gas và kiểm tra nơi thờ cúng. Đối với các thiết bị điện như lò vi sóng, tủ lạnh không kê áp sát các vật dụng khác, mà để thông thoáng khoảng cách an toàn nhất từ 30-50 cm. Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đúng, định kỳ thiết bị điện như máy giặt, tủ lạnh, bình nóng lạnh để kịp thời phát hiện hư hỏng, khắc phục ngay”. 

Theo phân tích của Đại tá Nguyễn Trường Sơn, nhiều gia đình thường sạc ắc quy xe đạp điện vào ban đêm, nhưng lại không chú ý và cắm điện từ tối đến sáng ngủ dậy mới rút phích khi sử dụng xe. Việc này rất nguy hiểm, bởi các thiết bị điện của xe bị cắm trong thời gian dài không ngắt sẽ gây nóng bình, chập điện dẫn đến hỏa hoạn. Do vậy, chỉ nên cắm sạc khi có người trông và trong một thời gian nhất định.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, mọi gia đình cần tuân thủ kỹ năng thoát nạn khi xảy cháy như sau: Mỗi gia đình cần mua 1 đến 2 cuốn băng dính bản to để tại nơi dễ nhìn, dễ lấy trong mỗi căn phòng. Khi không may xảy cháy tại tầng 1, lửa rất khó bén lên được tầng 2 trừ khi cầu thang bộ xếp các đồ dễ cháy. Trong trường hợp chỉ có khói từ tầng 1 bay lên theo giếng thang bộ, cần bình tĩnh đóng kín cửa lại và lấy băng dính dán kín các khe hở, tránh khói lọt vào trong rồi gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 thông báo chính xác số nhà, phố, phường, đường, ngõ và số phòng đang có người mắc kẹt… để lực lượng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn kịp thời xử lý.