Kỹ năng chống “nhân tai”

ANTĐ - Thật hú vía, siêu bão Hải Âu không lao thẳng mà chỉ “lượn” sát gần bờ suốt từ miền Trung ra tới đầu cực Bắc, nếu không hậu quả không biết đâu mà lường. 

- Bão cực mạnh chỉ “lướt bên sườn”, vậy mà cũng làm cho 14 người chết, 4 người mất tích, trên 80 người bị thương. Oái oăm và đau xót là không phải thương vong vì bão mà là do tai nạn khi chằng chống nhà cửa, trèo leo chặt tỉa cây cối. 

- Bài học kinh nghiệm rút ra từ… bão ở nước ta lẽ ra có thể viết thành “cẩm nang”.

- Sau Philippines là “rốn bão”, nước ta chẳng khác gì “túi” hứng bão, song cho đến nay mới có một giáo sư, tiến sĩ lên tiếng cần phải dạy kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân và đưa thành một phần chương trình học chính khóa. 

- Nhật Bản là “xứ sở” của động đất, sóng thần, ngay từ mẫu giáo trẻ nhỏ đã được dạy và thực hành kỹ năng tự vệ rất bài bản. Trong khi đó, ngay chuyện dạy trẻ biết bơi ở ta cũng “bì bõm” lắm. Nhiều nơi chỉ dạy… trên cạn thôi.

- Thiết nghĩ, sở dĩ trẻ còn thiếu nhiều kỹ năng sống chính là vì người lớn thiếu quá nhiều kỹ năng, trong khi lại cứ “nhồi nhét” cho chúng hàng mớ kiến thức vô bổ. 

- Chẳng nói đâu xa, tôi và ông cũng rất thiếu kỹ năng phòng chống tiêu cực, tham nhũng “vặt”. Chẳng hạn chuyện lót tay phong bì, khi vào bệnh viên để tiêm không đau, phát thuốc tử tế, rồi chuyện “chạy” trường, lớp, xây dựng, cơi nới nhà cửa…

- Theo tôi, kỹ năng phòng chống thiên tai ở ta là rất cần thiết, nhưng kỹ năng phòng chống “nhân tai” còn quan trọng, cấp bách hơn. Bởi vì thiên tai thì có mùa, chứ “nhân tai” diễn ra cả bốn mùa.