Ngày mai 16-10, bốc thăm chia bảng Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ lần thứ XVII 2017 - Cúp Number 1 Active:

Kỷ lục và khát vọng mới

ANTD.VN - Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội bước vào năm thứ 17, cũng như bước vào một kỷ nguyên mới khi lần đầu tiên, số đội tham dự vượt xa kỷ lục mùa giải năm ngoái (từ 63 lên 86 đội). Ở đó, có tới hơn 20 đội bóng lần đầu tiên góp mặt, hứa hẹn mang tới những điều bất ngờ và thú vị chưa từng có.

Sự cạnh tranh mùa giải này sẽ rất khốc liệt

Fanpage trên Facebook ở địa chỉ “Bóng đá Học sinh Plus” là một trong những kênh thông tin của Ban tổ chức đối với bạn đọc về giải bóng đá học sinh. Từ fanpage này, bạn đọc có thể nắm bắt được thông tin nhanh nhất về giải và hơn hết, có thể tương tác với Ban tổ chức. Qua sự tương tác này, có thể nhận thấy rõ sự háo hức, nóng lòng của các đội bóng muốn tham dự giải.

Nhiều đội bóng, từ cũ đến mới, cũng đã lên kế hoạch sàng lọc quân số, luyện tập từ rất sớm. Không phải ai cũng đặt mục tiêu vô địch, mà chỉ đơn giản là “được đá giải An ninh Thủ đô”, thế là đủ. Đây thực sự đã là một ngày hội bóng đá của lứa tuổi học sinh cấp III trên địa bàn Hà Nội. 

Những làn gió tươi mới

Nếu như từ mùa giải 2012 về trước, các đội bóng dự giải đều tới từ các trường thuộc các quận nội thành Hà Nội, thì từ năm 2013, đã bắt đầu xuất hiện những tập thể từ các huyện ngoại thành, vượt đường xa góp mặt như THPT Phùng Khắc Khoan hay THPT Phan Huy Chú (đều từ huyện Thạch Thất).

Năm nay chứng kiến bước nhảy vọt về các đại diện tham dự, và trong hơn 20 trường tân binh, cũng có rất nhiều cái tên đến từ các huyện ngoại thành như THPT Nguyễn Du (Thanh Oai), THPT Ngô Sĩ Liên và THPT Xuân Mai (đều tới từ Chương Mỹ), THPT Hồng Thái (Đan Phượng) hay THPT Vân Tảo và THPT Nguyễn Trãi (đều tới từ Thường Tín).

Những đội bóng này được đánh giá là có nền tảng thể lực rất tốt, đặc biệt luôn ra sân với tinh thần quyết tâm cao, vì muốn chứng tỏ họ có phong trào bóng đá phát triển. Bằng chứng là THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất), ngay trong năm đầu tiên dự giải đã giành vị trí Á quân năm 2013 và một năm sau đó là THPT Phan Huy Chú, cũng của Thạch Thất. 

Giàu tính cạnh tranh hơn

Sự góp mặt của hơn 20 đội bóng lần đầu tham dự cũng đẩy tính cạnh tranh của giải lên cao độ. Nếu như những gương mặt đã quá quen thuộc như THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Nguyễn Thị Minh Khai… ít nhiều đã cho người xem hình dung được lối chơi sau nhiều mùa, thì với những THPT Việt Hoàng, THPT Ngọc Hồi, THPT Đông Kinh hay THPT Yên Viên… tất cả đều là ẩn số vô cùng thú vị.

Phương án bốc thăm chia bảng và chọn đội vào vòng sau cũng mang lại sự lôi cuốn không kém. Theo đó, 86 đội sẽ được chia làm 21 bảng, trong đó 19 bảng có 4 đội và 2 bảng có 5 đội. 19 bảng có 4 đội sẽ đá vòng tròn 1 lượt tính điểm (và chỉ số phụ) để chọn ra 19 đội nhất bảng giành vé đi tiếp. Trong khi đó, ở 2 bảng có 5 đội, cũng sẽ đá vòng tròn 1 lượt tính điểm để chọn ra hai đội nhất và nhì (tổng cộng 4 đội) để vào vòng 1/16.

9 đội còn lại của vòng 1/16 (32 đội) sẽ được xác định là 9 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất ở 19 bảng 4 đội, dựa trên điểm và chỉ số phụ. Nếu như ở nhiều mùa trước, cứ nhì bảng là chắc suất đi tiếp, thì bây giờ, nhì bảng cũng có thể bị loại. Phải là một trong 9 đội có thành tích tốt nhất của 19 đội xếp nhì mới có thể giành vé đi tiếp. Đó là lý do các đội sẽ phải nỗ lực hơn nữa, cạnh tranh từng điểm số, từng bàn thắng để nuôi hy vọng.