Kết luận về “thỏa thuận nới lỏng” chấm thi của 11 tỉnh ĐBSCL:

Kỷ luật người sai phạm chứ không chấm lại bài của thí sinh

(ANTĐ) - Tối 23-6, sau cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời Báo ANTĐ về hướng xử lý vụ việc “thỏa thuận nới lỏng” chấm thi của 11 tỉnh ĐBSCL trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011.

Bộ đã xác nhận việc chấm thi của 11 tỉnh này có biểu hiện hạ thấp yêu cầu hướng dẫn chấm thi của Bộ và xảy ra ở cả 4 môn tự luận chứ không riêng môn Ngữ văn. Việc xử lý kỷ luật sẽ tập trung vào những người có liên quan chứ không chấm lại bài thi của thí sinh.

- Thưa Thứ trưởng, kết quả thẩm định của Bộ GD-ĐT đã xác nhận thông tin về “thỏa thuận nới lỏng” chấm thi môn Ngữ văn của 11 tỉnh ĐBSCL là có thật?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đến thời điểm này Bộ đã thu thập đủ thông tin về vụ việc này. Trước hết, tôi khẳng định là Bộ chỉ có một hướng dẫn chấm thi thống nhất trong toàn quốc. Địa phương có gì băn khoăn, thắc mắc phải hỏi lại Bộ chứ không được tự sáng chế. Thực tế, Bộ đã có điều chỉnh hướng dẫn chấm thi môn Ngữ văn. Quyền điều chỉnh này là của Bộ chứ không phải của hội đồng chấm thi. Việc thảo luận chấm thi là cần thiết nên việc Bộ cho phép các tỉnh họp để thảo luận là có thật. Tuy nhiên, các tỉnh đã làm quá yêu cầu nội dung của cuộc họp. Việc hướng dẫn giảm nhẹ yêu cầu chấm thi đến các hội đồng chấm thi là vi phạm quy chế thi. Trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, các ban chỉ đạo thi để xem xét, xử lý sự việc này. Việc này cần có thời gian và đảm bảo đúng quy trình.

- Vậy Bộ có đặt ra việc chấm lại bài thi của thí sinh thuộc 11 tỉnh ĐBSCL?

- Đối với học sinh, các em không sai. Bộ sẽ chấp nhận kết quả thi mà các tỉnh duyệt sơ bộ và công nhận tạm thời. Đối với học sinh là bình thường. Chúng tôi không đặt vấn đề chấm lại vì nguyên đối chiếu hướng dẫn của Bộ và hướng dẫn của các tỉnh đã thấy là sai rồi. Mức độ sai phạm đã rõ nên không cần chấm lại bài. Điểm thi có thể sai nhưng vì thí sinh không phải là người gây ra sai phạm, ai sai người đấy chịu. Hơn nữa các em cần đảm bảo yên tâm để chuẩn bị thi ĐH

- Mức độ xử lý cao nhất sẽ như thế nào?

- Việc này chưa nên đặt ra bây giờ vì cần làm đúng quy trình và phải thấy ở đấy có nhiều mức độ sai phạm khác nhau. Có người thì tổ chức việc thảo luận, có người tham gia thảo luận và đồng tình. Chưa thể đưa ra mức xử lý kỷ luật cụ thể với nhiều mức độ khác nhau như vậy. Việc xử lý sẽ phải theo đúng quy trình có kiểm điểm, có thảo luận, đề xuất mức kỷ luật.

 Sẽ không chấm lại bài thi của thí sinh
 Sẽ không chấm lại bài thi của thí sinh

- Tuy nhiên, Bộ không chịu trách nhiệm về nhân sự của địa phương, vậy Bộ sẽ can thiệp như thế nào nếu mức xử lý kỷ luật không phù hợp?

- Theo tôi không nên đặt ra tình huống đó, cần tin vào quyết định của địa phương. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng Bộ sẽ phối hợp với địa phương xác định xem sai phạm của các vị trí đến mức độ nào.

- Trong biên bản hướng dẫn chấm thi của 11 tỉnh này có cả chữ ký của thanh tra ủy quyền thì Bộ xử lý như thế nào?

- Thanh tra ủy quyền mà ký thì thanh tra cũng sai.

- Kết quả kỳ thi năm nay có biểu hiện tăng vọt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở một số địa phương, Bộ có tiến hành hậu kiểm với những kết quả này hay không?
- Chắc chắn là vẫn phải tiến hành hậu kiểm với những trường hợp cá biệt hay bất thường. Ví dụ: có những nơi mà tỷ lệ tốt nghiệp ở bổ túc THPT lại cao hơn THPT thì rõ ràng là vô lý và có biểu hiện bất thường. Bộ sẽ chấm thẩm định ở những nơi như vậy.

- Bộ có ý kiến như thế nào về đề xuất đưa kỳ thi tốt nghiệp trở lại sự tổ chức của địa phương thay vì tổ chức ở cấp quốc gia và tỷ lệ đỗ nhiều năm nay đã ổn định ở mức cao?

- Nhiều người phát biểu ở góc độ riêng của họ và họ cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo học sinh. Theo tôi, hiện nay chắc chắn vẫn cần có kỳ đánh giá mang tính quốc gia, tuy nhiên cũng cần phải suy nghĩ là tổ chức theo hình thức nào. Việc phân quyền được thực hiện ở nhiều ngành nhưng cần phải căn cứ vào năng lực của địa phương cũng như khả năng quản lý, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước.

- Đánh giá về kỳ thi này với hiện tượng tiêu cực nói trên nhiều người cho rằng phong trào “hai không” của Bộ đã phá sản?

- Không có chuyện phá sản, chỉ là nó có đạt được như mong muốn hay không. Thực tế có thể thấy rõ ràng là kỳ thi này đang được thực hiện nghiêm túc hơn trước đây. Quan điểm của Bộ là cần lấy “xây để chống”, muốn có một kỳ thi nghiêm túc thì phải thực hiện dần dần để học sinh được chuẩn bị kiến thức tốt nhất có thể. Nếu các em tự tin vào bản thân thì mới không có sai phạm, còn nếu chưa được chuẩn bị tốt thì mới phải quay cóp hay nảy sinh những tiêu cực khác.