Kỳ lạ ông Lang Mường chữa gãy xương bằng lá thuốc treo

ANTĐ -Không dụng cụ y tế, không bình sắc thuốc, không kê đơn thuốc. Không một vật dụng nào hỗ trợ cho việc bốc thuốc của ông, ngoài một cái kéo, đôi đồng tiền xu và  lá thuốc khô. Đó chính là ông Bùi Văn Khuê- ông Lang Mường nổi tiếng với bài thuốc trị bệnh gãy xương bằng lá thuốc treo.

Chữa gãy xương bằng treo lá khô

Tôi tìm đến nhà ông  Khuê theo sự chỉ dẫn của những người dân quanh vùng. Đi từ quốc lộ 12B qua hai xã, rồi mới đến nhà ông Khuê có tài chữa bệnh đặc biệt này. Con đường dẫn vào nhà ông  lầy lội, ướt nhẹp bởi những ngọn mía, lá cây keo của vụ mùa thu hoạch mà người dân bỏ lại hai bên mép đường. Đường đi cuộn hút, hạn chế tầm nhìn bởi những khúc quanh của đèo cao và cỏ lau.

Gần giữa trưa, quãng đường dẫn đến nhà ông  Khuê cũng ngắn lại. Ngôi nhà sàn nhỏ của ông  nằm bên sườn đồi  thuộc địa phận Xóm Yên Tân-Lạc Lương-Yên Thủy-Hòa Bình. Từ sau nhà, một người đàn ông dáng người nhỏ bé xuất hiện. Trên tay ông là bó lá thuốc còn tươi và con dao Năm( loại dao đi rừng dài, to bản và sắc) quen thuộc của đồng bào dân tộc Mường. Tôi chưa kịp cất lời hỏi, ông đã niềm nở mà bảo: “Lên lấy lá treo hả? sao không mang rượu lên đây. Không mang là không làm lễ được đâu”.Ông Khuê kể rằng, người dân quanh đây quen gọi ông là Lang Mường, cái tên này quý lắm, chỉ những ai họ quý vì chữa bệnh khỏi thì mới gọi như thế. “Biết họ quý mình nên dù trời mưa cũng cố đi lấy lá thuốc trên rừng về đấy”- vừa bước lên cầu thang nhà ông Khuê vừa nói.

Bên trong ngôi nhà sàn nhỏ là những vật dụng hết sức đơn sơ, giản dị. Thứ giá trị nhất trong nhà ông, có lẽ là đôi xe đạp đã cũ và bộ cồng chiêng của người Mường. Khi được hỏi về những vật dụng để bốc thuốc cho người gãy xương, ông Khuê chỉ lẳng lặng chỉ vào góc nhà. Khác với những ông Lang trong vùng và những bác sĩ khác, vật dụng chữa bệnh của ông chỉ bao gồm: một cây kéo dùng để cắt lá thuốc khô, một đôi đồng xu đã mòn, ít lá thuốc khô và túi giấy bóng thông thường dùng để gói lá thuốc. Ông ngồi chưa lâu, đã có người đến nhà nhờ lấy thuốc trị bệnh gãy xương. Phía ngoài ngõ có đến năm sáu chiếc xe máy đỗ, mọi người lên lấy thuốc nhà ông đều dựng xe ở đầu ngõ, hiếm khi cho xe vào đến tận nhà vì ông Khuê không muốn những tiếng ồn của những phương tiện này làm ông sao nhãng trong khi đang cắt lá thuốc.

Lá thuốc khô và đồng xu ông Khuê  dùng để chữa bệnh gãy xương


Năm người khách mới đến đi vào ai đấy đều cầm chai rượu, thẻ hương và gói bánh nhỏ. Sau khi đã trình bày tình trạng bệnh với ông Khuê, rượu và gói bánh sẽ được đặt lên bàn thờ nhỏ phía bên phải góc nhà để cúng lễ. Hương trên bàn thờ nhỏ vừa tàn, cũng là lúc ông Khuê cắt thuốc xong cho bệnh nhân. Trong gói nhỏ mà ông gói chỉ gồm 2 lạng lá thuốc khô, một ít bột ông cạo từ đồng xu có in hình chữ Nho. Xong đâu đấy, ông Khuê lấy chiếc kim nhỏ chọc 3 lần vào túi thuốc và đưa cho người nhà bệnh nhân. Ông dặn họ chỉ được dùng thuốc treo lên, không phải làm gì nữa, ngoài ra kiêng thuốc tây và đồ cồn, cơm nếp… người lớn thì treo trên đầu giường cách 3-4 mét, trẻ con thì treo cách xa hơn 8-9m .

Ông cứ thành tâm khấn xin khỏi bệnh cho từng người như thế, cho đến khi lấy hết 4 người. Ông bảo với mọi người rằng, mình cần thành tâm cúng lễ mới mong chữa bệnh khỏi được, nếu không chỉ mất công đi lấy. Người cuối cùng ông xin phép từ chối lấy vì lý do rất đơn giản mà ông đưa ra: “Tôi chỉ lấy thuốc cho người thân thiết với người gãy xương và phải đi từ chỗ người gãy xương tới đây. Chị được nhờ đi lấy hộ thì không được rồi, thuốc không chữa được”. Bài thuốc này cũng đặc biệt ở chỗ, tùy tình trạng bệnh và tình hình sức khỏe của người bệnh mà quyết định thời gian lành vết gãy xương. Có người lấy thuốc về cho con dưới 10 tuổi chỉ 3 tuần là khỏi. Cũng có người lấy thuốc cho trẻ nhỏ mà đến 5-6 tuần bệnh mới chỉ đỡ đau, các vết rạn xương bắt đầu có dấu hiệu lành.

Ông kể, có ngày hàng chục lượt người đến xin ông lấy thuốc nhưng mình cũng chỉ lấy cho được cho một số người. Còn một số khác, do họ được nhờ lấy, không phải do gãy xương  vì ngã; cây cối, máy móc dập vào chân mà do tự phát trong người như viêm khớp, trúng gió…nên cũng không lấy được thuốc, nếu cố tình lấy cũng không khỏi. Cũng có trường hợp, ông Khuê tận tình bốc lá thuốc treo chữa gãy xương tay cho treo trong 2 tuần. Nhưng đến tuần cuối, do thèm rượu quá nên uống, thuốc mất tác dụng. Đau lại hoàn đau, ông Khuê phải lặn lội vượt 30km vào nhà, cho uống lá và lấy lại đợt lá treo mới.

Phương thuốc ân tình chữa bệnh gia truyền 8 đời

Khi được hỏi về nguồn gốc của phương thuốc thần kỳ này, ông Khuê chậm rãi kể lại. Cụ tổ cách ông 8 đời cũng là một ông Lang bình thường chữa bệnh bằng lá thuốc sắc uống, nhưng cụ chỉ chữa những ca bệnh nhẹ trong vùng. Một lần cụ tổ sang Quảng Ninh phải ngủ nhờ nhà người Hoa trong vùng, vì chưa tới nhà người họ hàng. Bỗng nhiên, đến nửa đêm vợ người chủ nhà chuyển dạ, vùng rừng núi không thể tìm bà đỡ, bệnh viện lại ở xa, cụ tổ đã dùng bài thuốc của người Mường giúp bà sinh được con trai. Ông chủ nhà cảm ơn công của cụ tổ, đã truyền phương thuốc treo chữa bệnh xương cùng hai đồng bạc và dặn dò về cách chữa bệnh.

Học được phương pháp chữa bệnh thần kỳ, hiệu nghiệm này cụ tổ của ông Khuê về quê hương chữa bệnh cho những người quanh vùng.

Tiếng lành đồn xa ,nhiều người bị gãy xương các tỉnh lân cận cũng nhờ người nhà đến lấy thuốc về. “Lúc nào tôi cũng nhớ lời Mế dặn, phải cứu người, sống có đức thì con cháu mới được nhờ”- Ông Khuê vừa thắp hương cho mẹ vừa nói (Mế là cách gọi mẹ của người Mường). 

Ông Lang Mường- Bùi Văn Khuê

Việc chọn người nối nghiệp, chữa bệnh được tuyển chọn rất kỹ, quan sát từ khi còn nhỏ để biết được tâm tính. Phải chọn người sống giản dị, thương người, tâm tính ôn hòa. Nếu trong các con ruột không có ai, có thể chọn người trong họ. Ông được mẹ là bà Quách Thị Viển truyền lại cho bài thuốc quý này. Gia đình ông có 6 anh chị em, hiện tại ai cũng có cuộc sống gia đình riêng, chỉ có ông là ở cùng và nối nghiệp bà. “Tôi cũng không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ năm tôi 15 tuổi, Mế có cho theo lên rừng lấy lá thuốc. Từ đó lúc nào tôi cũng chỉ muốn ở cạnh Mế bốc thuốc chữa bệnh, không muốn làm việc gì khác cả. Tính đến nay cũng đã 33 năm.”

Nhiều ngày, ông ốm không làm gì được giúp vợ con, mà người lấy thuốc lại đến đông quá, nên ông phải cố gượng dậy lấy thuốc cho họ. Căn nhà ông vì thế mà dường như cũng chật chội hơn ngày thường. Ông vui vẻ nói đùa rằng: “Nhà tôi mà có giường tủ, máy lạnh, đồ đạc tiện nghi chắc không còn chỗ cho người lấy thuốc ngồi mất. Rồi lâu dần cái nhà nó không chứa được những thứ hiện đại đó nó cũng sập”.

Nhiều người lấy lá thuốc treo của ông về chữa bệnh đã lâu, nay vẫn nhớ như in thời gian mà họ phải lặn lội đến nhờ ông Lang Mường. Anh Trịnh Văn Bằng ở xóm Đồi, Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình đi chặt keo bị gãy chân, cũng nhờ phương thuốc của ông  Khuê mà nay có thể đi lại bình thường. Anh nói rằng, muốn lấy lá thuốc của ông Khuê thì mình cũng cần “ văn minh”.“ Lúc tôi bị gãy chân, nếu không nghe lời ông Lang Khuê đi nẹp cố định trước, mà để chân gãy lủng lẳng như thế để chờ thuốc treo thì không biết giờ tôi ra sao?”.

Rồi anh Nguyễn Văn Đông ở xóm Nghìa, xã Ngọc Lương, Yên Thủy, Hòa Bình. Khi chăn dê trên núi anh vô tình bị đá tảng đè vào chân. Vợ con đưa anh Đông đến bệnh viện với hi vọng đôi chân của anh có thể được chữa lành. Đáp lại ánh mắt hi vọng của gia đình anh, chỉ là cái lắc đầu của các y bác sĩ, họ khuyên anh nên phẫu thuật cắt bỏ đôi chân. Nếu để lâu sẽ gây đau đớn và biến chứng sang cơ quan khác trong cơ thể. Trong lúc tuyệt vọng, vợ anh Đông tìm đến nhà ông Khuê nhờ cứu giúp. Ông cùng Mế Viển( mẹ ông Khuê) đã tận tình cứu chữa. Ông Khuê bốc thuốc lá treo cho anh Đông rồi dặn, cứ 2-3 tuần thay lượt lá mới một lần. Sau 2 tháng, chân anh Đông có thể đi lại bình thường và làm việc nhẹ giúp đỡ vợ con.

Người truyền người, nhà ông Lang Khuê lúc nào cũng tấp nập người đến lấy lá thuốc về treo chữa bệnh. Ông nói rằng, có ngày không ai đến, nhưng cũng có ngày ông  chỉ ở nhà lấy lá thôi không làm được gì cả. “Cứ nhìn đống nắp chai rượu sau nhà cũng rõ.Tích cóp chai thì nhiều quá, nhưng nắp chai thì tôi giữ được”. Ông vừa nói vừa chỉ vào đống nắp chai góc vườn.

Chia tay ông  Khuê, tôi trở về bằng con đường cũ mà mình đã vào nhà ông. Dọc đường đi vẫn còn rất nhiều người đang hỏi thăm đường vào nhà ông.Ông vẫn đang tiếp tục chữa bệnh cứu người với tâm, với nghề, với ân tình của một ông lang người Mường như bao bác sĩ miền xuôi khác.