Kỳ lạ ngôi đền "xin con" ở Hải Dương

ANTĐ - Ngay trong gian hậu cung của đền Sinh có một phiến đá to được cho là mang hình của người phụ nữ đang lâm bồn, người dân cung kính gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Vì hình dạng phiến đá khá “tế nhị” nên những năm gần đây, nó được xây nhà bao quanh và che chắn cẩn thận, ít ai được trực tiếp mục sở thị. Nhưng hàng ngày, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết vẫn có rất đông du khách kéo đến đây, và chủ yếu với mục đích “cầu con”, bởi ngôi đền từ lâu được cho là rất linh thiêng trong “ban con” cho những người hiếm muộn.
Kỳ lạ ngôi đền "xin con" ở Hải Dương ảnh 1

Nơi hạ sinh thần Phi Bồng

Đền Sinh tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc thuộc xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, Hải Dương, cách đó không xa là đền Hóa tạo nên một quần thể di tích linh thiêng. Ông Nguyễn Văn Gia, thủ nhang đền Sinh cho hay, theo bia kí, đền Sinh, đền Hóa có từ thế kỷ thứ 6, hai ngôi đền này là nơi tưởng nhớ vị thần Phi Bồng. Chuyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng hiếm muộn là Chu Thức và Hoàng Thị Ba, đã bước sang tuổi ngũ, lục tuần mà vẫn chưa có mụn con để nối dõi tông đường. Một hôm hai người ngủ tại chùa thì mộng thấy một vị sứ giả đến ứng mộng nói rằng: Ta là Sơn Thần, phụng sắc chỉ Ngọc Hoàng giáng trần báo cho vợ chồng ngươi biết là sau này sẽ có sao xuống đầu thai vào nhà ngươi để giúp dân, cứu nước! Sáng hôm sau, họ ra đến cửa chùa thì bỗng thấy một vết chân người rất lớn. Ông Chu ướm thử không vừa, bà Ba ướm vào thì tự nhiên vết chân biến mất, về nhà một thời gian sau thì bà Ba có thai, sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Hiện, tự Phúc Uy. 

Phúc Uy 15, 16 tuổi đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi thì theo Lý Nam Đế đi dẹp giặc và được phong là Vũ Đại tướng quân và giao cho trấn giữ vùng Hải Dương, ông tử trận trong một trận chiến khác và được người dân tôn kính lập đền thờ. Sau này, vua Lý Thái Tông đi qua Hải Dương, nhiều lần được thần Phi Bồng ứng báo, giúp đánh thắng giặc Chiêm nên đã ban sắc phong Yên Mô thành “Phấn Lôi” để tỏ lòng nghi nhớ công lao thần Phi Bồng.

Cũng tại mảnh đất này, hơn 400 năm sau, đúng giờ Dần ngày 8 tháng 5 năm 524, đám trẻ con đang chơi dưới chân núi đền Sinh bây giờ bỗng nghe thấy có tiếng khóc bèn gọi nhau tới xem thì thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư dĩnh ngộ ngồi ở chỗ hòn đá to bằng hai cái chiếu nứt đôi, tiếng khóc như chuông. Bọn trẻ thấy vậy lấy nón che đầu làm lọng rồi giữ tay nhau làm kiệu rước về làng. Đang đi bỗng nhiên mưa gió sấm chớp đùng đùng, cát bay, đá cuộn khắp nơi, hài nhi hét lên một tiếng rồi bay thẳng lên trời, chỉ nghe trên không trung có tiếng vọng lại “ta là Phi Bồng Hạo Thiên Đại tướng quân giáng hạ”. Người địa phương lấy làm kinh hãi, bèn bảo nhau lập miếu thờ. Từ đó ở trang Yên Mô, trang Chi Ngãi cùng các trang lân cận làm ăn càng ngày càng phát đạt, già trẻ mạnh khoẻ vui tươi, nhiều người mơ thấy thần Phi Bồng hiện về an ủi dân chúng làm ăn. Vì thế người dân mới lập hai ngôi đền: Đền Sinh - nơi sinh ra thần Phi Bồng, cũng là nơi có phiến đá hình sản phụ đang sinh nở (gọi là Đức Thánh mẫu Thạch bàn) và đền Hóa – nơi Thần hóa về trời.

Hàng nghìn người đến xin con

Theo những người trông coi ngôi đền, trước đây phiến đá lộ thiên và những người xin con thì luôn cố gắng sờ vào vào để mong muốn thần phù hộ, nhưng mới đây, do thấy hình thú phiến đá khá “tế nhị” nên Ban quản lý khu di tích đã cho xây một ngôi nhà ba gian bao quanh phiến đá, đồng thời phủ một tấm rèm mỏng để che chắn cẩn thận, vì vậy người thăm viếng ít có dịp chiêm ngưỡng Đức Thánh mẫu Thạch Bàn. Phiến đá cao chừng hơn 3m, rộng khoảng 5m, có hình dáng như người phụ nữ đang nằm ngửa trong lúc lâm bồn. Trên đầu phiến đá có hình tròn tượng trưng cho đầu. Hai khối đá tròn nhỏ phía dưới được xem như là bầu ngực.

Tiếp xuống là hai khối đá lớn, dài, có hình dáng giống hai chân đang co gập gối. Giữa hai phần đùi có hai khối đá nhỏ tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và một khối đá nhỏ khác được cho là hài nhi đang chui ra từ cửa bát nhã. Hai khối đá mé ngoài là bàn chân. 

Theo ông Gia thì nghi thức cầu tự tại đền Sinh bắt nguồn từ thế kỷ thứ VI và lưu truyền đến tận ngày nay. Có mặt tại đền Sinh không phải vào ngày lễ nhưng chúng tôi cũng bắt gặp không ít đôi vợ chồng đến đây xin con. Chị Khúc Thị Thu Hương và anh Đàm Huy Bách (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ rằng hai vợ chồng lấy nhau đã gần 2 năm mà chưa có con, đi khám thì không có vấn đề gì. Nhân ngày nghỉ anh chị vừa xuống Hà Nội cắt thuốc của một thầy lang, vừa tranh thủ xuống Hải Dương cầu thần linh phù hộ sớm có con. “Tất nhiên phải kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, nhưng có thờ có thiêng nên tôi vẫn thành tâm về đây, vả lại tôi cũng có biết một vài người xuống đây xin và giờ đều đã có con rồi” – chị Hương chia sẻ. 

Trong khi đó, một người phụ nữ khác đang mang bầu tên Hòa, 33 tuổi quê ở Bắc Ninh thì tâm sự rằng chị lấy chồng 5 năm mà chưa có con. Mới đầu nghĩ do chồng công tác trong quân đội, vợ chồng ít gần gũi nên chậm có thai, nhưng năm kia anh chị đi khám mới được biết tỷ lệ tinh trùng của anh rất thấp. Anh chị đã chạy chữa tốn khá nhiều tiền bạc ở khắp nơi, gần đây đến điều trị tại một trung tâm hiếm muộn và đã có kết quả. “Kết hợp với việc điều trị thì tôi có đến đền Sinh để cầu con, được hơn 4 tháng thì tôi đậu thai. Dẫu biết là nhờ phần lớn ở y học nhưng tôi vẫn tin là ngôi đền linh thiêng đã phù hộ cho vợ chồng tôi, vì vậy hôm nay tôi đến làm lễ tạ ngài”.

Xin con được con?

Cụ Phạm Văn Được là người có thâm niên viết sớ cầu con gần 20 năm tại cửa đền Sinh cho biết đền Sinh mỗi năm đón tiếp rất nhiều người đến xin con và đến nay cụ cũng không nhớ rõ số sớ mình viết cho khách, vì nó lên đến con số hàng nghìn. Nhưng cụ Được cũng có thói quen ghi chép lại tên, tuổi, địa chỉ, thậm chí điện thoại liên hệ của những cặp vợ chồng mà cụ viết sớ cho. Thông thường, theo tục thì những cặp vợ chồng đến đây lễ xin con, nếu được thì sẽ phải quay lại làm lễ tạ và cụ cũng ghi chép lại thông tin về những người đến làm lễ tạ. Nhiều trường hợp khách ở xa, khi đậu thai chưa có điều kiện đến làm lễ còn gọi điện nhờ cụ làm lễ tạ giúp, khi nào có điều kiện sẽ tự đến tạ sau. Cũng nhờ việc ghi chép cẩn thận, cụ Được cho rằng đó chính là cơ sở để thống kê số ca “xin” được con. Cụ cho biết, bình quân mỗi năm có khoảng 70% số cặp vợ chồng đến xin con quay lại làm lễ tạ, có nhưng năm đột biến con số lên đến gần 100%. Như năm Quý Mùi (2003) có 365 trường hợp đến xin con thì có 325 trường hợp quay lại làm lễ tạ…

Cụ Được cho biết mỗi người nhờ cụ viết sớ là một hoàn cảnh khác nhau, đa phần trong số họ là những cặp vợ chồng hiếm muộn, có những người có hoàn cảnh vô cùng éo le. Công việc viết sớ ở đền mang lại cho cụ thu nhập, nhưng đó cũng là niềm vui, cụ nói đùa rằng, nhờ viết sớ ở chân đền Sinh mà đến giờ cụ đã có người thân ở khắp mọi nơi. Có những cặp vợ chồng lấy nhau đã gần chục năm, suýt bỏ nhau vì chưa có con, thế mà đến đây lễ, ít lâu sau lại đến nhờ cụ viết sớ tạ. Có người xin một lần thì lần sau đã đến tạ, nhưng cũng có những người phải 4-5 lần mới được…

Tuy nhiên, đây chỉ là những con số thống kê của cá nhân cụ Được và chưa được kiểm chứng, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Sơn, Trưởng Ban quản lý khu di tích đền Sinh, đền Hóa cho biết hiện Ban quản lý khu di tích không thống kê số lượng người đến xin con cũng như người có con sau khi đến đền xin. Nhiều người có chia sẻ là đến đây cầu con và sau đó có con, nhưng tỷ lệ chính xác là bao nhiêu thì cũng không rõ. “Ngôi đền được cho là nơi cầu con linh thiêng một phần do đức tin của người dân, khi họ có niềm tin đến đây sẽ giúp tâm hồn thư thái, giải quyết phần nào bức bối, căng thẳng về tâm lý hiếm muộn” - ông Sơn cho biết. Dù vậy, ông Sơn cũng khuyên người dân không nên quá mù quáng mà bỏ qua việc điều trị theo y học hiện đại.