Kỳ lạ hành trình về nguồn của những tấm di ảnh liệt sĩ

ANTĐ - Sau 45 năm, có một đoàn cựu binh Mỹ tìm về đỉnh Núi Vú trao trả lại 39 di ảnh và kỷ vật của các liệt sĩ Việt Nam.

Một ngày trung tuần tháng 6/2011, đỉnh Núi Vú (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện một nhóm cựu binh bao gồm cả người Mỹ và người Việt Nam. Họ đều đã già, ngoài 60 tuổi, song cái nắng chói chang của đất Quảng không làm họ chùn bước khi len lỏi tìm về chiến trường xưa…

Quay ngược thời gian 45 năm về trước- mùa xuân năm 1966- những anh lính trẻ của Sư đoàn 2 được lệnh hành quân vào chiến trường Quân khu 5. Đại tá Hoàng Minh Tiến, nguyên chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tây (cũ), là một trong những người lính năm ấy nhớ lại: Ròng rã mất mấy tháng trời, cho đến tháng 4/1966 thì chúng tôi vào đến đất Quảng Nam. Sau đó cả tháng trời, đám trai Bắc chúng tôi nghiên cứu cách đánh địch cùng với anh em địa phương.

 Những tấm di ảnh của các liệt sĩ trong trận đánh ác liệt năm 1966

 Những tấm di ảnh của các liệt sĩ trong trận đánh ác liệt năm 1966

Thêm một thời gian ngắn nữa thì Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ cũng mò tới đây. Vào đêm 13- rạng sáng ngày 14/6/1966, Mỹ dùng không quân yểm trợ để một trung đội biệt kích tập kích cao điểm Núi Vú. Đại đội 3, tiểu đoàn 7 (tiểu đoàn Bình Minh), Sư đoàn 2, Quân khu 5 do chính trị viên Trịnh Văn Hân (hoặc Hàn) chỉ huy đã sẵn sàng nghênh đón địch tại đây.

Cần nói thêm, trận đánh đã diễn ra trên một địa hình trống trải, nhiều cỏ tranh. Địch có lợi thế là dùng 5 chiếc máy bay C130 vừa thả pháo sáng vừa bắn xối xả súng máy xuống khu vực quân ta. Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu quả cảm, sau nhiều giờ giao tranh, Đại đội 3 đã hoàn toàn làm chủ cao điểm Núi Vú, sau đó rút đi theo lệnh để tránh quân địch quay lại dội bom.

Ông Raymond Stanley Hildreth (SN 1947) là quân của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ năm ấy nhớ lại trận đánh: Rất ác liệt, những người lính thủy đánh bộ chúng tôi thực tâm ngay khi đó đã hết sức khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng của bộ đội Việt Nam. Khi họ rút đi rồi, chúng tôi quay lại chớp nhoáng để thu dọn chiến trường, ngoài những thương vong của người Mỹ còn có 39 liệt sĩ phía bộ đội Việt Nam nằm lại.

Ông Raymond Stanley Hildreth trao di vật chiến tranh cho đại tá Hoàng Minh Tiến 

 Ông Raymond Stanley Hildreth trao di vật chiến tranh cho đại tá Hoàng Minh Tiến

Thông tin này gần trùng khớp, khi sau này đoàn cựu binh về thăm được người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam) cho hay, sau trận đánh năm 1966, địa phương đã chôn cất tổng cộng 41 người lính- điều đó có nghĩa, các anh vẫn nằm nguyên vẹn trong vòng tay ôm ấp của đồng bào địa phương, chỉ cần xác minh lại tên từng người.

Sau đó ông Raymond Stanley Hildreth lên trực thăng quay về căn cứ quân sự Chu Lai, mang theo 39 bức di ảnh và kỷ vật của những người lính đã hy sinh anh dũng để bảo vệ đất nước, mà ông biết trước rằng, một ngày nào đó những kỷ vật ấy sẽ có ích.

“Thời gian như bóng câu qua cửa sổ”, những người lính trẻ năm nào ở cả 2 bên chiến tuyến giờ tóc đều đã muối tiêu. Hai nước Việt Nam và Mỹ cũng đã bình thường hóa quan hệ nhiều năm, tuy nhiên ông Raymond Stanley Hildreth vẫn chưa có điều kiện cá nhân để quay trở lại Việt Nam, làm những điều tâm nguyện mình thôi thúc đã gần nửa thế kỷ, cho đến một ngày hè tháng 6/2011…

Nhằm tạo mọi thuận lợi cho đoàn cựu binh Mỹ quay trở về chiến trường xưa với một sứ mạng giàu tính nhân văn, ông Lê Phước Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản số 2005/UBND-ĐN ngày 10/6/2011 về việc cho phép tổ chức gặp mặt cựu chiến binh Việt Nam- Mỹ và các hoạt động liên quan.

 Đường về thăm lại chiến trường xưa Đỉnh Núi Vú vẫn ngút ngàn cỏ lau  Đường về thăm lại chiến trường xưa Đỉnh Núi Vú vẫn ngút ngàn cỏ lau

 Đường về thăm lại chiến trường xưa

 Đỉnh Núi Vú vẫn ngút ngàn cỏ lau

Và nhờ đó, cuối cùng họ-những cựu binh Việt Nam và Mỹ lại một lần nữa đứng trên cao điểm 504. Đỉnh Núi Vú vẫn ngút ngàn cỏ tranh, gió lộng… những người lính già đứng lặng yên, thả trôi dòng suy tưởng về quá khứ trai trẻ. Đến lúc này, cựu binh  Raymond Stanley Hildreth trân trọng trao cho cựu binh Hoàng Minh Tiến tập kỷ vật của 39 liệt sĩ Việt Nam mà ông đã cất giữ cẩn thận ở mảnh đất nửa bên kia địa cầu suốt nhiều thập kỷ.

Không quá khó để đại tá Hoàng Minh Tiến nhận ra trong đó một vài người đồng đội cũ của mình. Một ban liên lạc những người lính Đại đội 3, tiểu đoàn Bình Minh, Sư đoàn 2, Quân khu 5 được gấp rút thành lập với ý nghĩa sẽ mang đến tận tay thân nhân gia đình 39 liệt sỹ những kỷ vật sau bao năm tháng ngóng trông.

Về phần mình, cựu binh Mỹ Raymond Stanley Hildreth hứa, khi quay về Mỹ ông sẽ gửi ngay sang Việt Nam một cuốn nhật ký ghi chép tỉ mỉ về trận đánh trên đỉnh Núi Vú năm nào; ông mong biết đâu nhờ những thông tin trong cuốn nhật ký, thân nhân của 39 liệt sĩ có thể mau chóng tìm được họ, đưa các anh trở về ấm áp trong mảnh đất quê hương.