Kỳ lạ cách giữ rừng: Chặt 1 cây đền 1 con bò

ANTĐ - Nằm chênh vênh giữa lưng chừng những dãy núi cao của dải Trường Sơn hùng vĩ, hai cánh rừng của hai buôn làng Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B (thuộc xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) như hai hòn ngọc xanh lấp lánh. Không ai có thể ngờ rằng những người Ê Đê và buôn làng của họ vẫn còn lưu giữ được một luật tục giữ rừng độc đáo, lạ kỳ. Cũng vì thế mà hàng thế kỷ nay, cả hai buôn làng vẫn còn một khu rừng nguyên sinh toàn vẹn, xanh mướt trải rộng với rất nhiều cây cổ thụ và những bến nước nuôi sống họ bao đời…

Kỳ lạ cách giữ rừng: Chặt 1 cây đền 1 con bò ảnh 1Già làng Y Ky Niê Kdăm giới thiệu những cây cổ thụ trong khu rừng thiêng

Cách giữ rừng độc đáo 

Gặp Già làng Y Ky Niê Kdăm (SN 1940), ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột khi Già làng đang đi vào thăm bến nước. Với giọng trầm hùng, già Y Ky Niê Kdăm cho biết: Từ thuở xa xưa, trước khi lập buôn, người Ê Đê sẽ phải tìm một bến nước trong cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, xanh thăm thẳm. Sau khi đã tìm được nơi lập buôn rồi thì người Tây Nguyên nói chung cũng như người Ê Đê nói riêng, phải thực hiện các nghi thức cúng tế thần núi rừng, thần nước... Họ quan niệm đây là việc làm để thần linh chứng nhận, che chở cho cuộc sống của nhân dân trong buôn làng được bình an, yên vui. Lễ cúng thần núi rừng, thần nước diễn ra với sự tham gia của tất cả những người trong buôn làng.

Để thực hiện nghi thức cúng thần núi rừng, thần nước, già làng sẽ cử ra những người đàn ông tài giỏi đi kiểm tra quanh khu rừng và lên đầu nguồn nước để đảm bảo nguồn nước trong lành sẽ chảy về làng và cây rừng không bị chặt phá bởi những người ngoài làng. Vì trách nhiệm và lòng yêu cây rừng mà hơn 30 năm nay, già làng Y Ky Niê Kdăm thường xuyên nói với bà con trong buôn mình về những quy định bảo vệ rừng trong luật tục của người Ê Đê cũng như trong luật bảo vệ rừng của Nhà nước. Bản thân già làng cũng thường xuyên cùng lũ trẻ vào khu rừng xem xét, đến bến nước dọn vệ sinh và khuyên dạy bọn trẻ về những điều mà luật tục răn dạy với hy vọng mai sau lớn lên chúng sẽ là những người đi đầu kế tiếp trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ bến nước mà ông cha của chúng đã để lại. 

Nội dung những quy định trong luật tục độc đáo kỳ lạ đó là: Thứ nhất, tất cả mọi người trong buôn không được mang lửa, mang củi cháy dở vào rừng, người đi rừng không được hút thuốc, châm lửa khi đi trong rừng. Không ai được đốt đuốc mang qua rừng vì sẽ gây ra họa cháy rừng. Khi ai thấy lửa cháy trong rừng thì phải dập tắt ngay, nếu lửa to không dập được thì phải chạy thật nhanh về báo cho già làng và những người trong buôn để có biện pháp ứng cứu kịp thời. Thứ hai, tất cả những ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu không được chặt, phá cây rừng làm nương rẫy, chỉ những cây đã khô, ngã gục, mục rũa thì mới được mang về làm củi. Thứ ba, cấm đóng cọc vào cây, cấm trèo lên cây, bẻ trái, hái lá cây rừng... Cuối cùng là bất kể những kẻ xâm lấn rừng, đất rừng, phá hoại rừng và vi phạm vào những điều cấm kỵ trên sẽ được đưa ra xét xử. Các chàng trai khỏe mạnh của buôn sẽ bắt những kẻ phá hoại mang về nộp cho buôn đó nhờ xử phạt hộ hoặc nộp lên cơ quan chính quyền để giải quyết theo luật pháp nhà nước đã quy định.  

Cả buôn phạt kẻ phá rừng

Điều đặc biệt nhất là, trong khi tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở các tỉnh Tây Nguyên có những nơi còn nhức nhối, nhiều cánh rừng đang có nguy cơ dần bị tàn phá, còn một số đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép đang sử dụng những biện pháp tinh vi nhằm tàn sát những cánh rừng vô tội thì hàng trăm năm nay những cánh rừng nguyên sinh ở hai buôn Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B vẫn còn vẹn nguyên.  

Được như vậy là do các già làng đời đời nối tiếp, luôn luôn tuyên truyền cho người dân trong buôn biết những quy định xử phạt nghiêm khắc đã được ghi trong hương ước của buôn như: Người dân nào vi phạm chặt một cây gỗ trong rừng của buôn sẽ bị phạt một con heo và phải xin lỗi cả buôn, chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con heo. Nếu tái phạm lần thứ hai, lần thứ ba sẽ bị phạt gấp đôi, gấp ba lần như thế. Những quy định này thường được già làng và trưởng buôn nhắc nhở trong những buổi họp buôn. Vì thế mà hiện nay, hơn 180 hộ dân của buôn Kmrơng Prong B với tất cả hơn 800 người, ai ai cũng biết đến những quy định của ông cha, cũng không ai dám mạo phạm tới cánh rừng rộng 1,3ha của buôn làng mình.

Cách đây khoảng 20 năm có một người trong buôn, sát ngay ở khu rừng của buôn chót cưa trộm một cây gỗ Cẩm Lai về làm bàn ghế, người trong buôn biết được đã báo già làng, và trưởng buôn. Vì thế người này đã phải nộp lại cây đã cưa và đền một con lợn cho cả làng. Ngày người vi phạm đền lợn cho làng sẽ phải đem đầu lợn và một vò rượu cần ra chỗ bến nước trong rừng để làm lễ cúng, xin các thần linh của rừng tha tội dưới sự chứng kiến của những người đại diện trong buôn. Sau đó sẽ xin già làng, trưởng buôn và những người dân trong buôn làng tha tội và phải hứa sẽ không được tái phạm lần nữa. Lý do mà kẻ nộp phạt phải cúng ở bến nước là nhằm cầu khấn thần linh núi rừng đừng tức giận để cho mạch nước mãi luôn tuôn chảy, chảy trong và chảy sạch. Xin tổ tiên, thần rừng, thần nước phù hộ buôn làng luôn đoàn kết, con cháu thảo hiền... Sau phần khấn tế của thầy cúng, một hồi chiêng sẽ được khua lên, những thiếu nữ Ê Đê xinh đẹp được buôn làng tuyển chọn, thướt tha trong bộ đồ truyền thống nhẹ nhàng múc từng bầu nước mát dưới bến, mang về phân phát cho người dân trong buôn để lấy lộc. Sau đó tất cả sẽ tập trung tại nhà già làng để ăn thịt lợn, họp bàn và vui chơi, kẻ nộp phạt cũng phải mua 4-5 vò rượu cần về để cho cả làng ăn phạt như thế làng mới tha tội cho. 

Nằm sát ngay cạnh buôn Kmrơng Prong B nhưng cách phạt trong luật tục bảo vệ rừng của buôn Kmrơng Prong A lại có phần nặng hơn. Già làng Y MơH KBuor, người làm già làng cũng khoảng 20 năm cho biết: Các quy định trong luật tục của hai buôn không có gì khác biệt nhiều, chỉ khác ở mức độ phạt. Ở trong buôn nếu kẻ nào dám mạo phạm tới khu rừng thiêng liêng của buôn sẽ bị loan báo cho cả làng biết, cho xấu hổ lần sau sẽ không dám mạo phạm nữa. Còn nếu chặt một cây rừng sẽ phải nộp một con bò, một con lợn và vài vò rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ. 

Từ xa xưa, mọi người trong buôn đều biết rằng: Cây rừng đối với buôn làng là quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời. Không có cây rừng sẽ không có nước, không có nước thì khó sống nổi vài ngày, cũng vì thế mà người Ê Đê trong buôn thờ thần nước rất nghiêm cẩn. Cũng nhờ những quy định về bảo vệ rừng trong luật tục và hương ước buôn làng mà cả hai khu rừng của hai buôn có diện tích hơn 1ha, với 14 loài cây lớn như đa, sao, bằng lăng, kơ nia... nhiều cây có độ tuổi lên tới hàng trăm năm vẫn còn giữ được màu xanh. 

Buôn làng còn thì rừng còn

Hai cánh rừng của hai buôn làng Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B được xem như rừng thiêng của buôn làng, là viên ngọc quý nơi cao nguyên xa xôi, giúp giữ nước, giữ đất cho buôn làng thoát khỏi những trận mưa bão, hạn hán. Cũng bởi ngay từ thuở hồng hoang những người Ê Đê nơi đây đã có quan niệm rất đúng đắn rằng: Còn cây rừng thì còn bến nước, bến nước còn thì buôn làng còn, vì thế tất cả người trong buôn phải giữ lấy cây rừng, để bến nước của họ sẽ mãi tuôn chảy mang đến nguồn sống cho người trong buôn. Luật tục giữ rừng được sinh ra từ đấy. Trải qua biết bao thế kỷ, với biết bao sự đổi thay nhưng những luật tục độc đáo này vẫn được thế hệ con cháu gìn giữ như một giá trị tinh thần quý báu. Các luật tục bảo vệ rừng của bà con dân tộc Ê Đê chính là một nét văn hóa đẹp của các buôn làng người dân tộc thiểu số vùng cao Tây nguyên. 

Đối với họ, những cánh rừng nguyên sinh là bảo bối là bùa hộ mệnh cho đời sống của bà con buôn làng. Họ gắn bó và bảo vệ cánh rừng từ đời này đến đời khác mà không bao giờ muốn di chuyển buôn làng về một nơi ở mới. Bởi với họ, chỉ cần bảo vệ rừng thì đời sống của họ sẽ ngày thêm tốt đẹp. Nguồn nước mạch trong những khu rừng sẽ vẫn dồi dào quanh năm đảm bảo đời sống buôn làng. Dù cuộc sống hiện tại văn minh hơn rất nhiều, người ta có thể đào hoặc khoan giếng để tiết kiệm thời gian và công sức mỗi khi cần lấy nước sinh hoạt, nhưng những người hai buôn làng trên vẫn không bỏ tập quán sử dụng nước ăn từ bến nước trong khu rừng thiêng. Cũng bởi lẽ việc đi lấy nước, tắm giặt, sinh hoạt nơi bến nước vẫn đã là một bản sắc dân tộc đặc sắc lâu đời. 

Trong khi một số buôn làng ở Tây Nguyên không còn những cánh rừng nguyên sinh, thường gây nên tình trạng cạn nước vào mùa khô thì luật tục độc đáo của hai buôn làng này có thể coi là điển hình tiên tiến trong việc bảo vệ rừng, đáng để các buôn khác học tập. Qua bao biến chuyển của thời gian và thời cuộc, nhiều tục lệ đẹp của nhiều buôn làng đã ít nhiều đã thay đổi, mai một nhưng những luật tục giữ rừng của người Ê Đê ở hai buôn làng trên vẫn còn được giữ cho đến tận bây giờ. Vì thế mà cánh rừng nguyên sinh trong buôn của họ vẫn xanh bạt ngàn trên cao nguyên Tây Nguyên hùng vĩ.