Kỳ lạ bố mẹ người dân tộc Cơtu đẻ con như "Tây"

ANTĐ - Quá bất ngờ khi những "ông Tây" mắt xanh, tóc vàng khẳng định họ là người bản xứ dân tộc Cơtu gốc 100%.

Gia đình “châu Âu” giữa đại ngàn Trường Sơn

Một ngày cuối tuần, từ TP Đà Nẵng men theo con đường đầy bụi đất gần 100km đường rừng, chúng tôi đến bản Dốc Kiền, xã Ba (huyện vùng cao Đông Giang, Quảng Nam). Thật ngỡ ngàng khi bắt gặp những con người với ngoại hình đặc sệt châu Âu đang hối hả gùi củi về. Dừng chân hỏi chuyện lại càng bất ngờ hơn bởi họ khẳng định là người Cơtu bản xứ, đã sinh sống từ bao đời nay. Bất ngờ, ngạc nhiên lẫn tò mò trong sự hoài nghi về thân phận của họ, chúng tôi quyết tâm đi tìm câu trả lời từ những người dân khu vực nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận được câu trả lời: họ là người Cơtu chính gốc 100%.

Mặc dù có ngoại hình như Tây nhưng đứa con của anh Nganh
 lại không mang di truyền gen từ cha.

Ngồi đối diện với họ, chúng tôi ngỡ như mình đang ở trong một gia đình ở châu Âu vậy. Tuy nhiên, căn nhà gỗ ngay bên tuyến tỉnh lộ ĐT 604 ở thôn Dốc Kiền (xã Ba), là nơi cư ngụ từ hàng chục năm nay của gia đình khác người này. Ông Lê Văn Nghen (59 tuổi, dân tộc Cơtu) chủ nhân của căn nhà kể trên cho biết, vợ chồng ông có tất cả 5 người con nhưng có đến 3 người sinh ra đều mang ngoại hình rất giống người châu Âu: Da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Duy chỉ có điểm hơi khác, đó là các con của ông có chiều cao trung bình từ 1,60-1, 65cm. Ông Nghen cũng cho hay, từ lúc các con ông được sinh ra, đã có rất nhiều người dân hiếu kỳ trong vùng và các vùng phụ cận tìm đến xem mặt.

"Nhưng tất cả ai cũng bảo chúng nó là người Tây, chứ rất ít ai nghĩ đó là các con của  tôi",  ông Nghen cho biết.

Theo ông Nghen, sở dĩ các con của ông đều có ngoại hình giống Tây như vậy là do di truyền từ vợ ông là bà Nguyễn Thị Ní. Bà Ní khẳng định bà là người Cơtu "gốc", có quê ở thôn Láy, xã Tư, huyện Đông Giang. Trước đây, đời bà cố ngoại của bà Ní cũng đã có ngoại hình giống người Tây như bà. "Khi bà tôi còn sống, những người trong gia đình chúng tôi đã có hỏi chuyện vì sao bà lại mang ngoại hình giống Tây nhưng bà bảo bà không biết, tự nhiên khi sinh ra đã có vậy rồi", bà Ní kể lại.

Cũng theo bà Ní, chuyện gia đình bà sinh ra mang ngoại hình Tây đã có từ bốn đời trước. Trước đây, mẹ bà cũng sinh được 3 người con nhưng duy chỉ có mình bà mang ngoại hình da trắng, tóc vàng; còn 2 người em trai còn lại đều bình thường như tất cả người Cơtu khác. Đến khi bà Ní lấy chồng, sinh con thì lại có đến 3 đứa có ngoại hình giống mẹ. Với ngoại hình như vậy, đi đến đâu ai cũng bảo họ là gia đình người Tây ở Quảng Nam và những câu chuyện được thêu dệt về nguồn gốc của họ cũng được hình thành từ đó.

Già làng Y Kông, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, hiện đang sinh sống tại thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang) xác nhận gia đình của ông Lê Văn Nghen và bà Nguyễn Thị Ní đều là người Cơtu, sinh sống tại địa phương từ rất lâu đời. Chính già Y Kông cũng không thể lý giải được nguyên nhân vì sao các con của ông bà Nghen lại có màu da khác với những người dân địa phương. Ông chỉ khẳng định, họ được di truyền gen từ người mẹ (tức bà Nguyễn Thị Ní - PV), nhưng nguồn gốc vì sao các đời cố ngoại của bà Ní lại có ngoại hình giống Tây thì già Kông cũng bó tay.

Chỉ di truyền gen sang con gái

Giữa trưa, tiết trời vùng cao oi bức đến lạ thường nhưng câu chuyện về gia đình người Tây ở Quảng Nam cứ thế cuốn hút chúng tôi đến tìm hiểu một cách say sưa. Bà Ní kể, ngày trước những câu chuyện về gia đình của bà được người dân trong vùng lan truyền với nhiều tình tiết thêu dệt không đúng với thực tế. Những người trong vùng thường đoán già, đoán non rằng rất có thể trước đây, đời cố ngoại của bà có ăn ở với người Tây (thực dân Pháp) nên sinh ra những người con mang hình hài ngoại quốc (!). "Câu chuyện đó lan truyền nên ai cũng bảo chúng tôi là con cháu của người Tây. Nhiều câu chuyện rất nhỏ nhặt cũng được họ thêu dệt y hệt như chúng tôi là người ngoài hành tinh vậy. Vui có, buồn có nhưng tóm lại, tất cả không chứng minh được chúng tôi có nguồn gốc người Tây", bà Ní khẳng định.

Với ngoại hình giống "Tây", có khi mua chai nước suối họ cũng bị tính 15.000đ,
thay vì chỉ 5.000đ

Theo bà Ní, một điều đặc biệt là, mặc dù đời cố ngoại của bà cũng từng sinh ra có đến 2 người có ngoại hình giống Tây (1 trai, 1 gái) nhưng chỉ có bà ngoại của bà khi lấy chồng mới sinh được người con da trắng, tóc vàng. Và liên tục đời sau, bà ngoại của bà cũng sinh được mẹ bà có gen Tây, rồi đến lượt bà. Qua mấy đời, chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy gen này chỉ di truyền sang các đời con gái (bên ngoại).

"Bây giờ, vợ chồng tôi cũng có một cô con gái có ngoại hình giống tôi. Sau này, nếu nó lấy chồng, sinh con mà có đứa nào ngoại hình tương tự chúng tôi thì kết luận của chúng tôi là chính xác", bà Ní lý giải.

Bằng chứng mà bà Ní đưa ra không phải không có cơ sở, bởi các con trai của bà mặc dù ngoại hình da trắng, tóc vàng nhưng khi sinh con thì chưa có đứa nào di truyền gen như thế. Trong các đứa con của bà, bây giờ anh Lê Văn Nganh (36 tuổi) đã có gia đình nhưng cả 2 đứa con của anh Nganh vẫn bình thường như bao đứa trẻ Cơtu trong vùng khác.

Những chuyện dở khóc, dở cười

Mang ngoại hình khác lạ nên các con của vợ chồng ông Nghen và bà Ní cũng gặp không ít chuyện vui buồn trong cuộc sống. Theo lời kể của các con ông bà, nhiều lần khi ra đường, có không ít ánh mắt đổ dồn về phía họ với thái độ rất ngạc nhiên, tò mò. Cũng chính từ đó, những câu chuyện về gia đình người Tây ở Quảng Nam đã được nhiều người thêu dệt một cách rất ly kỳ, hấp dẫn.

Ông Lê Văn Nghen tâm sự, cách đây khoảng gần 20 năm trước, khi ông dẫn đứa con trai thứ 2 đi chơi ở xóm khác, thì ngay lập tức mấy đứa trẻ lại vây kín xem, tưởng nhầm là con nước ngoài. "Ai cũng hỏi nguyên nhân vì sao mấy đứa con của tôi lại có ngoại hình giống Tây đều được tôi nói đùa rằng, trước khi chiến tranh, do bị thương nên tôi được lính Mỹ truyền cho máu của họ. Và bây giờ di truyền sang các con của tôi", ông Nghen cười nói. Tuy nhiên, theo ông Nghen, câu nói đùa ấy của ông đã khiến rất nhiều người tin răm rắp.

Anh Lê Văn Nganh, người con thứ hai của ông bà, có ngoại hình giống Tây kể, mỗi lần anh có dịp đi xuống TP Đà Nẵng hay TP Hội An (Quảng Nam) cũng đều bị nhiều người bán hàng rong chèo kéo, mời mua hàng vì nhầm tưởng anh là người Tây!. Chuyện hy hữu đó đã khiến anh dở khóc dở cười, hết lời giải thích. Tuy vậy, có không ít người không tin anh nói thật, ai cũng tưởng anh nói đùa cho qua chuyện.

"Bây giờ, mỗi lần có dịp xuống thành phố mình đều đi với mấy người trong thôn để có người minh chứng cho mình", anh Nganh cho biết.

Còn hai em Lê Văn Ngọ và Lê Thị Bạch My thì có phần được quan tâm đặc biệt hơn bởi trong lớp học ai cũng gọi đùa họ là người nước ngoài. Tuy vậy, Bạch My cho biết tất cả các bạn bè của mình đều tỏ ra rất thích thú với ngoại hình Tây của mình, nhiều người còn muốn được cầm mái tóc của cô mỗi khi tiếp xúc. Và nhiều lần xuống thành phố cũng thường được những người bán rong đeo bám, mời mọc với câu chào tiếng Anh.

Em Lê Văn Ngọ tâm sự: "Một lần em cùng mấy người bạn trong lớp rủ nhau xuống Đà Nẵng chơi. Nhưng khi em tìm đến một quầy tạp hóa mua bình nước suối loại nhỏ với giá thị trường 3 nghìn đồng thì ngay lập tức, em bị chủ quán hét với giá 15 nghìn đồng. Khi em trả lại giá thì liền bị chủ quán nói: "Tây gì mà tính toán ghê!", khiến em nực cười", Ngọ kể.

Cho đến bây giờ bản thân họ và cũng chưa ai tìm được lời lý giải hợp lý cho trường hợp đặc biệt này. Những con người mang dáng dấp châu Âu này vẫn sống như những người Cơtu hạnh phúc giữa đại ngàn.