Kỳ II: Phòng ngừa người giúp việc gây án

(ANTĐ) - Vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra mới đây tại khu tập thể 36 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm vào sáng sớm ngày 2-7-2009 gây xôn xao dư luận do tính chất nghiêm trọng của sự việc vì hung thủ gây án chính là người giúp việc trong gia đình.

Người giúp việc và những vụ phạm pháp hình sự:

Kỳ II: Phòng ngừa người giúp việc gây án

(ANTĐ) - Vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra mới đây tại khu tập thể 36 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm vào sáng sớm ngày 2-7-2009 gây xôn xao dư luận do tính chất nghiêm trọng của sự việc vì hung thủ gây án chính là người giúp việc trong gia đình.

Biết trong nhà có két sắt đựng tài sản có giá trị, lợi dụng vợ chồng chủ nhà là chị An, anh Hùng cùng các con đi nghỉ mát, trong nhà chỉ có bà Khanh, mẹ đẻ của chị An (SN 1942), tuổi cao sang trông nhà giúp cho con, người giúp việc Trần Thị Vân (SN 1992), quê ở Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã dùng dao tấn công bà Khanh khi bà đang ngủ, sau đó quyết liệt sát hại bà để cướp tài sản gồm toàn bộ tiền vàng đựng trong két sắt không để mã khóa...

Nên cẩn thận khi thuê người giúp việc
Nên cẩn thận khi thuê người giúp việc

>>> Kỳ 1: Khi người giúp việc nảy lòng tham

Trước đó, tại số nhà 70 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm cũng đã xảy vụ án mạng tương tự. Nạn nhân là bà Cần Thị Xuân (SN 1922), trú ở số nhà trên đã bị nhét giẻ vào miệng, chết tại căn phòng trên tầng 2. Tầng 1 là con gái bà Xuân tên là Dung ở. Qua kiểm tra, gia đình phát hiện 2 chiếc hoa tai bằng vàng đeo trên tai bà Xuân và sợi dây chuyền vàng bà đeo trên cổ đã không còn. Chiếc tủ kê ở đầu giường bà Xuân mở khóa, chiếc tủ kê ở lối lên từ chân cầu thang có vết cạy phá. Gia đình không xác định cụ thể số tiền bà Xuân bị mất, chỉ ước khoảng 2 triệu đồng là số tiền bà được con cháu mừng tuổi trong dịp Tết...

Sau 14 ngày tích cực điều tra, truy xét, CAQ Hoàn Kiếm phối hợp với các phòng nghiệp vụ CATP đã làm rõ thủ phạm gây án là Đinh Thị Hoa (SN 1986), quê  ở Đội  5, thôn Đại Liên, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh và em trai là Đinh Sỹ Dần ở cùng địa chỉ. Hoa chính là cháu ruột của chồng chị Dung, từng làm giúp việc cho gia đình chị Dung trước đó. Được mấy tháng thì Hoa nghỉ việc. Khi bị bắt giữ, Đinh Sỹ Dần khai nhận, do chị của hắn là Đinh Thị Hoa tâm sự đã làm mất số tiền chồng đưa cho để mua bếp ga.

Sợ bị chồng mắng, Hoa đã rủ Dần ra Hà Nội, đến nhà bà Xuân vì biết gia đình có tài sản để trộm cắp. Sau khi đi xe ôtô lên Hà Nội, chờ đến khoảng 19h30, Hoa dẫn Dần đi vào nhà bà Xuân từ lối ngõ ở phố Lý Thường Kiệt, rồi lẻn vào căn phòng khách trên gác 2, chui xuống gầm chiếc sập  ẩn nấp. Đến đêm, chúng chui ra, khống chế người giúp việc ngủ cùng với bà Xuân, lấy chiếc khăn len giắt ở cánh cửa phòng ngủ nhét vào miệng bà Xuân, lấy chìa khóa đeo trên cổ bà Xuân mở tủ, lấy hoa tai, dây chuyền đeo trên người bà Xuân rồi tẩu thoát. Do bị ngạt thở, bà Xuân đã chết...

Chủ động phòng ngừa

Như đã đề cập ở trên, một trong những yếu tố tạo điều kiện cho người giúp việc trộm cắp tài sản của gia chủ là do ăn, ở thường xuyên tại nhà, biết được nơi cất giấu tiền, tài sản có giá trị, nơi cất chìa khóa tủ, khóa két cũng như qui luật sinh hoạt của gia chủ nên đã nảy lòng tham, rắp tâm thực hiện ý đồ trộm cắp khi có cơ hội. Cá biệt, có người giúp việc đã mất hết nhân tính, ra tay sát hại chủ nhà để cướp tài sản như đã xảy vụ án ở phố Hai Bà Trưng và phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. Theo Trung tá Nguyễn Văn Hòa - Trưởng CAP Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, để phòng ngừa và hạn chế điều kiện phạm tội của người giúp việc, bên cạnh biện pháp quản lý hành chính của cơ quan công an như kiểm tra công tác tạm trú, tạm vắng, chủ sử dụng người giúp việc phải chủ động phòng ngừa mọi bất trắc có thể xảy ra khi thuê người ngoài đến ở, làm việc trong gia đình.

Cụ thể, chủ nhà không nên để cho người giúp việc biết trong gia đình có tài sản quý hiếm cũng như nơi cất giấu, đề phòng lòng tham bột phát của họ. Lúc đi ngủ, bất kể sớm tối, chủ nhà nên chốt cửa bên trong phòng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa không chỉ riêng người giúp việc có ý đồ xấu mà cả kẻ trộm có thể đột nhập vào bên trong tấn công khi chủ nhà ở trạng thái “bị động”. Khi gia chủ đi vắng cả nhà, không nên quá tin tưởng vào người giúp việc trông nom tài sản trong gia đình, đề phòng người giúp việc tự do trộm cắp hoặc câu kết với đối tượng bên ngoài gây án, thậm chí giết người cướp tài sản như đã xảy ra vụ án mạng ở phố Hai Bà Trưng.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Hòa, khi tuyển dụng người giúp việc nên thông qua các Trung tâm giới thiệu việc làm có đủ tư cách pháp nhân. Các Trung này khi tuyển dụng người lao động đều có thẩm tra lý lịch, có cam kết của người lao động... là cơ sở để người sử dụng lao động yên tâm khi thuê người giúp việc trong gia đình. Nếu được người quen giới thiệu thì chủ sử dụng người giúp việc phải tìm hiểu kỹ nhân thân, biết rõ quê quán, nơi ở cũng như hoàn cảnh của họ, đủ độ tin cậy mới sử dụng. Trong quá trình sử dụng người giúp việc phải lưu ý theo dõi các mối quan hệ xã hội của người giúp việc. Cuối cùng, điều quan trọng hơn cả, người chủ sử dụng lao động giúp việc phải tuyệt đối chấp hành qui định đăng ký khai báo tạm trú khi có người giúp việc đến ở trong gia đình với CAP sở tại, để cơ quan công an lập hồ sơ, có biện pháp quản lý, thường xuyên trao đổi thông tin với chủ nhà, góp phần hạn chế điều kiện phạm tội của người giúp việc.                                 

Thu Ba