Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Để lại nhiều ấn tượng đậm nét

ANTĐ - Chiều qua, 21-6, sau khi thông qua 3 Nghị quyết quan trọng, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bế mạc kỳ họp thứ 5. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, đây là kỳ họp để lại nhiều ấn tượng đậm nét, tạo niềm tin cho nhân dân và cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã được “tổ chức triển khai một cách hết sức thận trọng, theo đúng thủ tục quy trình của Nghị quyết mà UBTVQH và Quốc hội đã đề ra”. Về nội dung thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Bằng trí tuệ, tâm huyết của mình, các ĐBQH đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao cho dự thảo Hiến pháp. Chúng ta nhất định xây dựng được một bản Hiến pháp đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Để lại nhiều ấn tượng đậm nét ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội
trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Không chia lại đất nông nghiệp

Trước phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân với tỷ lệ hơn 95% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Như vậy, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua vào kỳ họp tới (kỳ họp thứ 6), sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Nghị quyết khẳng định, khi hết thời hạn sử dụng, Nhà nước không điều chỉnh lại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Đất đai hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực; khi đó thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân áp dụng theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi). Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2013.

Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết nói trên để giải quyết các trường hợp sẽ hết hạn sử dụng đất vào ngày 15-10-2013 vì dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân là vấn đề quan trọng có tác động lớn đến tâm lý người nông dân trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, người sử dụng đất băn khoăn, lo lắng vì một số giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất đang gặp khó khăn, vướng mắc đặc biệt là việc thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Do đó, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, ổn định tâm lý của nông dân, góp phần phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống của người dân. Một số nội dung của dự thảo Luật có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hiện nay, dự thảo sửa đổi Hiến pháp đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Đa số ĐBQH đã nhất trí với đề nghị của UBTVQH về việc xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 sau khi thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi)”.

Tạo niềm tin mới

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã được “tổ chức triển khai một cách hết sức thận trọng, theo đúng thủ tục quy trình mà Nghị quyết mà UBTVQH và Quốc hội đã đề ra”. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm công khai, dân chủ, minh bạch để đồng bào cử tri cả nước theo dõi, giám sát. Các ĐBQH đã dành thời gian nghiên cứu, theo dõi thông tin, đánh giá khách quan mức độ tín nhiệm của các vị được lấy phiếu. Kết quả đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các hoạt động tư pháp của đất nước. “Đây là kinh nghiệm tốt để các cơ quan địa phương, HĐND các cấp nghiên cứu khi triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm với những người được HĐND bầu trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.

Một nội dung quan trọng khác là Quốc hội tập trung thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Chủ tịch Quốc hội gửi lời cảm ơn đồng bào trong và ngoài nước đã nhiệt tình hưởng ứng, quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. “Bằng trí tuệ, tâm huyết của mình, các ĐBQH đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao cho dự thảo Hiến pháp, nhất là với những vấn đề liên quan tới hệ thống chính trị, quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người... Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐB, ý kiến của nhân dân tới hết ngày 30-9 để hoàn thiện, trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6. Chúng ta nhất định xây dựng được một bản Hiến pháp đáp ứng được ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng đậm nét, tạo niềm tin cho nhân dân và cử tri cả nước.

Lấy phiếu tín nhiệm: Cần tiếp tục rút kinh nghiệm

Chiều 21-6, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Trả lời các câu hỏi về lấy phiếu tín nhiệm, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, kết quả lấy phiếu đã phản ánh đúng tình hình thực tế của đất nước. Ông nói: “Khối hành pháp đúng là thấp hơn khối lập pháp. Những lĩnh vực có nhiều phiếu tín nhiệm thấp rõ ràng còn việc này, việc kia như ngân hàng, giáo dục, y tế... Đó là điều hoàn toàn bình thường. Cái chính là phải tập trung chỉ đạo, điều hành như thế nào để khắc phục những tồn tại đó. Bản thân tôi là người được đánh giá tín nhiệm cũng thấy mình còn nhiều hạn chế, cần cố gắng hơn nữa...”. Nhấn mạnh việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm còn phải rút kinh nghiệm nhiều, tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc điều chỉnh cách thức lấy phiếu như thế nào thuộc về thẩm quyền của Quốc hội. “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và có ý kiến cụ thể về vấn đề này” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Thành Nam