Kỳ cuối: Hãy cứu lấy vỉa hè Hà Nội

(ANTĐ) - Có lẽ chưa bao giờ vỉa hè của Hà Nội lại lộn xộn như bây giờ, trật tự  văn minh đô thị đang mai một dần, đây còn là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Nhưng vỉa hè đâu có lỗi. Lỗi đó do sự vô ý thức của con người, lỗi đó thuộc về trách nhiệm của chính quyền các cấp. Vì cộng đồng, đã đến lúc Hà Nội phải có ngay những biện pháp mạnh để cứu lấy vỉa hè!

Vỉa hè - từ phân cấp thành chia lô

Kỳ cuối: Hãy cứu lấy vỉa hè Hà Nội

(ANTĐ) - Có lẽ chưa bao giờ vỉa hè của Hà Nội lại lộn xộn như bây giờ, trật tự  văn minh đô thị đang mai một dần, đây còn là một nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Nhưng vỉa hè đâu có lỗi. Lỗi đó do sự vô ý thức của con người, lỗi đó thuộc về trách nhiệm của chính quyền các cấp. Vì cộng đồng, đã đến lúc Hà Nội phải có ngay những biện pháp mạnh để cứu lấy vỉa hè!

>>>Kỳ 1: "Ẩm thực vỉa hè"

>>> Kỳ 2: Vỉa hè - "đại siêu thị"

>>> Kỳ 3: Vỉa hè - Bãi đỗ xe khổng lồ

>>> Kỳ 4: Đâu rồi những tuyến phố văn minh thương mại?

>>> Kỳ 5: Khai thác triệt để, coi nhẹ quản lý

>>> Kỳ 6: Vỉa hè lộn xộn - nguyên nhân gây ùn tắc giao thông

Thượng tá Hoàng Thanh Bình, Trưởng phòng CSTT - CATP Hà Nội: Vỉa hè phải dành cho người đi bộ

Điều 2 của Nghị định 227/2006/QĐ-UB nêu rõ: Hè phố, lòng đường là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc sở hữu Nhà nước... Hè phố được sử dụng chủ yếu cho người đi bộ.

Như vậy, vỉa hè không thể để cho mọi người họp chợ, bán hàng, trông xe... Vỉa hè không phải là nơi “xóa đói giảm nghèo” cho một số bộ phận dân cư. Khi thành phố đã có Quyết định 227, phân cấp vỉa hè cho các quận và phường, thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, xử lý các vi phạm trên vỉa hè.

Nhưng trong thực tế nhiều quận và phường lại coi trọng việc khai thác, sử dụng tối đa lợi ích do vỉa hè mang lại, xem nhẹ việc quản lý.

Hiện tại trên nhiều vỉa hè của các tuyến phố đã và đang tăng đột biến các điểm trông xe máy, ôtô, chiếm hết lối của người đi bộ, gây mất trật tự đô thị. Nguyên nhân là do quận không nắm vững điều 13 của Nghị định 227 quy định sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường làm nơi trông xe.

Có quận chỉ thấy cái lợi trước mắt nên đã khai thác tối đa vỉa hè thành nơi trông giữ xe. Về việc sắp xếp để xe, thời gian tới Phòng CSTT sẽ đề nghị thành phố quy định cụ thể: Tuyến phố thuộc hành lang bảo vệ, một số khu vực đặc biệt như trước cửa các cơ quan Trung ương, ngoại giao, khu di tích lịch sử văn hóa, trường học không được sắp xếp để xe.

Một số tuyến phố còn lại nếu sắp xếp các điểm trông giữ xe máy phải được quy hoạch cho hợp lý, phù hợp với giao thông trong khu vực.

Những vỉa hè từ 2m trở lên được sắp xếp cho người dân để xe máy, nhưng phải có chỗ cho người đi bộ. Việc để xe máy như thế nào cũng phải có quy định cụ thể, tránh tình trạng nơi để xe quay đầu vào, nơi lại để xe quay đầu ra. Bên cạnh đó cũng cần phải thận trọng với quy định các quận được cấp giấy phép cho ôtô đỗ trên vỉa hè, nếu không vỉa hè lại bị ôtô băm cho nát thêm.

Thượng tá Bùi Xuân Đại - Phó trưởng CAQ Đống Đa: Đừng vì cái nhỏ, bỏ mất cái lớn

Nhiều tuyến đường của quận Đống Đa thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, vì vậy không nên cấp phép cho các hàng ăn kinh doanh trên vỉa hè.

Để vỉa hè cho người đi bộ và một phần của giao thông tĩnh, như vậy đường phố mới giảm bớt ùn tắc. Các quận, hoặc phường nên sắp xếp, bố trí cho các hàng ăn vào kinh doanh tại một vài tuyến phố nào đó kiểu như phố ẩm thực.

Kinh doanh tập trung như vậy dễ quản lý cho cơ sở, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thu được thuế và bảo đảm ANTT. Nếu các hàng ăn không muốn vào địa điểm đã quy định, thì phải kinh doanh trong nhà của họ. Những người kinh doanh ăn, uống trên vỉa hè chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong các hộ dân sinh sống của thành phố.

Chúng ta đừng vì cái nhỏ này mà làm mất đi cái lớn đó là vỉa hè cho người đi bộ, cho giao thông tĩnh, bảo đảm trật tự đô thị của Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp - Phó Chánh thanh tra Sở GTCC: Quá ít đất cho hệ thống giao thông tĩnh

Có thể khẳng định, Quyết định 227 là căn cứ pháp lý để các cơ quan chức năng, địa bàn tổ chức thực hiện quản lý hè đường, đúng theo tinh thần Nghị quyết 08 của HĐND thành phố là tăng cường phân cấp công tác quản lý Nhà nước về cơ sở. “227” đã nối tiếp được tinh thần Quyết định 63 trước đây là duy trì các tuyến phố văn minh đô thị, đặc biệt tạo ra sự chủ động hơn đối với chính quyền cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, Quyết định 227 đã bộc lộ một số điểm chưa hợp lý. Đó là một số quy định của “227” chưa thật rõ ràng dẫn đến nhận thức của các ngành chức năng, các quận có sự khác nhau, cách triển khai khác nhau.

Có quận ủng hộ, hoan nghênh chủ trương phân cấp của Quyết định 227. Có nơi hình thành tâm lý nghe ngóng, thậm chí có quận cho rằng cơ sở để thực hiện phân cấp của “227” còn bất hợp lý. Ngay cả bộ phận không nhỏ người dân cũng “nhầm lẫn” về chủ trương của Quyết định 227; có người cho rằng Quyết định 227 là mở rộng điều kiện để người dân được kinh doanh trên vỉa hè.

Hay như quy định chính quyền phường có thẩm quyền cấp phép cho người dân được kinh doanh trên vỉa hè nhưng phải dành 1 mét cho người đi bộ. Tuy nhiên sau 6 tháng thực hiện “227”, hầu như chưa phường nào “dám” cấp phép cho dịch vụ ăn uống trên vỉa hè, bởi thực tế quá phức tạp, người đi bộ lại không còn vỉa hè để đi.

Trong điều kiện hiện nay, chưa thể đạt được ngay tiêu chí “phố phường phong quang” được, mà phải có thời gian. Trước mắt, cần tiến hành xây dựng những tuyến phố hành lang khu vực chính trị - văn hóa thì không được tổ chức sắp xếp xe, hàng ăn.

Song, những tuyến phố phục vụ mục đích dân sinh, không ảnh hưởng đến cảnh quan, giao thông, nên hướng dẫn cho người dân được sắp xếp để xe, kinh doanh ăn uống vào những giờ nhất định. Về lâu dài, cần phải cân đối sự phát triển giữa hệ thống giao thông tĩnh và các chung cư, khu đô thị, trung tâm thương mại.

Thực tế là, chúng ta đang dành quá ít diện tích đất cho giao thông tĩnh của thành phố.

Ông Hoàng Duy Hùng - Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội: Đô thị hiện đại không có xe đỗ trên hè, đường

Từ nhiều năm qua, do thành phố chưa xây dựng những điểm đỗ xe ôtô tập trung, trong khi nhu cầu đỗ xe ngày một nhiều, công ty chúng tôi đã xin phép và được khai thác một số đoạn hè, đường phố để nơi trông giữ xe. Việc này đã góp phần bảo đảm giao thông tĩnh của Hà Nội, bảo vệ tài sản cho người dân.

Do số lượng ôtô nói riêng và các phương tiện giao thông khác tăng đột biến, nhu cầu đỗ xe ngày một lớn, nếu chúng tôi không cho các xe vào điểm đỗ, thì họ cũng đỗ tràn lan trên hè, phố, gây ùn tắc giao thông...

Hiện nay trên địa bàn  Hà Nội có 131 điểm đỗ xe ôtô tạm thời trên hè, đường phố; 8 bãi đỗ xe ôtô tập trung trong khuôn viên do công ty chúng tôi quản lý. Các điểm đỗ xe ôtô trên mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu gửi xe ôtô của các đơn vị, cá nhân... Nhưng nhiều điểm đỗ xe ôtô trên hè, đường đã bị xóa, thu giấy phép để trả lại hè, đường.

Cho dù thiếu các điểm đỗ, công ty chúng tôi vẫn nhận thức rằng một đô thị hiện đại không có xe đỗ trên hè, đường phố, mà phải có các bãi đỗ xe hiện đại ở ven ngoại. Lúc đó mọi người gửi ôtô ở các bãi giữ xe rồi đi xe buýt vào nội thành. Muốn làm được điều đó thì ngay từ bây giờ thành phố cần có quyết sách cụ thể về việc này.

Nhóm PV Nội chính