Kỳ 3: Kinh nghiệm và sáng kiến vì tương lai

(ANTĐ) - Với chủ trương phát triển “sạch”, tăng trưởng “xanh”, một số quốc gia châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã đạt được một số thành công nhất định. Phát triển bền vững trên cơ sở thân thiện với môi trường là một công cuộc lâu dài đòi hỏi cơ chế và giải pháp đồng bộ, tuy nhiên mỗi mô hình lại có những “bí quyết” riêng.

Ô nhiễm môi trường trong công nghiệp hóa ở châu Á:

Kỳ 3: Kinh nghiệm và sáng kiến vì tương lai

(ANTĐ) - Với chủ trương phát triển “sạch”, tăng trưởng “xanh”, một số quốc gia châu á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã đạt được một số thành công nhất định. Phát triển bền vững trên cơ sở thân thiện với môi trường là một công cuộc lâu dài đòi hỏi cơ chế và giải pháp đồng bộ, tuy nhiên mỗi mô hình lại có những “bí quyết” riêng.

>>> Kỳ 1: Bài học từ những sự cố kinh hoàng

>>> Kỳ 2: Hồi sinh những dòng sông bị “bức tử”

Singapore và pháp luật bảo vệ môi trường

ý tưởng phát triển Singapore - thành phố sạch được hình thành từ những năm 1960, trong đó việc bảo vệ môi trường sinh thái được coi là một nhiệm vụ chiến lược trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Để có một Singapore được mệnh danh là “thành phố sạch nhất thế giới” phải do rất nhiều yếu tố, song quan trọng nhất phải  kể đến là tính toàn diện của pháp luật về môi trường.

Khách du lịch đến với Singapore hầu như ai cũng được phổ biến kinh nghiệm: Hãy cẩn trọng vì chỉ vô tình xả rác ra đường sẽ bị phạt tiền rất nặng, bởi hình phạt tiền được xem là công cụ hữu hiệu trong các chế tài hình sự về bảo vệ môi trường của Singapore. Mức độ phạt tiền tùy thuộc vào các đạo luật khác nhau và mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra, tuy nhiên, quy định cũng rất linh hoạt ở chỗ: Đối với các vi phạm ít nghiêm trọng, có trường hợp cho phép người vi phạm trả một khoản tiền thích hợp cho Bộ Môi trường Singapore và vụ việc sẽ tự kết thúc mà không phải đưa ra tòa.

Nếu như hình phạt tù được coi là chế tài nghiêm khắc nhất nhằm trừng trị những người vi phạm ngoan cố thì hình thức lao động cải tạo bắt buộc qua thực tiễn đã chứng tỏ tính hiệu quả trong ngăn chặn các vi phạm nhỏ. Người vi phạm buộc phải dọn vệ sinh tại các vị trí nhất định dưới sự theo dõi của các nhân viên giám sát. Ai vi phạm nhiều lần sẽ bị đưa lên báo để nêu gương xấu, vì thế, rất ít người tái phạm.

Ngoài ra, do tính cấp thiết của pháp luật về môi trường cho nên các đạo luật về môi trường cũng đã trao cho Bộ Môi trường một số quyền hạn để thực thi các công việc khẩn cấp, nhằm thi hành ngay bất kỳ nhiệm vụ nào nếu nhiệm vụ đó là cấp bách đối với sự an toàn xã hội, sức khỏe hay dịch vụ cộng đồng.

Haneul Park, đỉnh cao nhất của hệ thống công viên World Cup ở Seoul trước kia từng là bãi chôn lấp rác giờ là biểu tượng cho công viên thân thiện với môi trường
Haneul Park, đỉnh cao nhất của hệ thống công viên World Cup ở Seoul trước kia từng là bãi chôn lấp rác giờ là biểu tượng cho công viên thân thiện với môi trường

Hàn Quốc - tập trung phát triển công nghệ

Công nghệ môi trường luôn được Chính phủ Hàn Quốc quan tâm khuyến khích. Cho dù đôi khi đây được coi là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm nhưng nước này có cả một hệ thống doanh nghiệp phát triển công nghệ môi trường nòng cốt thế hệ mới. Trong những nỗ lực này, Hàn Quốc đã được Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá là quốc gia đứng đầu trên thế giới về lĩnh vực quản lý khu vực chôn lấp chất thải.

“Khi tập trung rác thải, chúng tôi liên tục phun thuốc hút mùi, đồng thời tiến hành ngay khâu chôn lấp. Vì thế mùi rác không bị bốc ra ngoài và cũng không có sâu bọ, côn trùng”, một chuyên gia nói về việc chôn lấp được thực hiện theo phương pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nước rỉ rác đã được xử lý đạt tới dưới chỉ số cho phép và đây là niềm tự hào về công nghệ của Hàn Quốc.

Tiến sĩ Ryu Don-sik, thuộc Công ty Quản lý khu vực chôn lấp rác thải khu vực ngoại vi Thủ đô Seoul đánh giá: “Nước rỉ rác vốn có nhiều kim loại nặng và là môi trường thuận lợi cho việc nảy nở sinh sôi của các vi sinh vật không có lợi đối với con người. Nước rỉ rác cũng có nồng độ vật chất hữu cơ tương đối cao nên để xử lý cần phải sử dụng đến công nghệ cao”. 

Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc là quốc gia có kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới về lĩnh vực biến chất thải thành năng lượng. Nói về chính sách tài nguyên hóa rác thải trong tương lai, Bộ trưởng Môi trường Lee Maanee cho biết, họ đang xây dựng kế hoạch tạo ra nguồn tài nguyên tuần hoàn bằng cách chuyển hóa tất cả rác thải còn tận dụng được thành năng lượng vào năm 2020. Nguồn năng lượng được tái sản sinh này sẽ được đưa vào sử dụng cho các hoạt động liên quan, phần còn lại sẽ được bán cho công ty điện lực Hàn Quốc để cung cấp trên toàn quốc.

Vì thế thật may mắn khi những tác hại mà cư dân Hàn Quốc phải gánh chịu từ các bãi chôn lấp rác thải hàng năm đang giảm dần. Công viên World Cup Seoul đến trước năm 1992 vẫn là khu chôn lấp rác thải, giờ đã thay đổi diện mạo trở thành một công viên sinh thái.

Mới đây, Công ty Quản lý bãi chôn lấp Thủ đô Seoul cũng đã công bố dự án trọng điểm và phương án cụ thể nhằm đưa khu vực bãi chôn lấp này trở thành danh thắng bậc nhất trên thế giới về môi trường. Chỉ tính riêng năm 2007, khu vực này đã đón hơn 900 người nước ngoài tới tham quan học tập, khiến họ cần đến cả hệ thống phát thanh hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài.

Nhật Bản - giáo dục ý thức môi trường

Là một nền kinh tế hàng đầu thế giới, Nhật Bản cũng được đánh giá cao trong vấn đề bảo vệ môi trường. Sau khi trở thành một cường quốc công nghiệp và đô thị hóa, xảy ra những sự kiện nghiêm trọng về môi trường, thậm chí có người coi đây là một cuộc khủng hoảng thực sự về môi trường, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu nhận ra trách nhiệm đối với môi trường, xây dựng chính sách phát triển theo hướng một quốc gia thịnh vượng về kinh tế và giàu đẹp về môi trường thiên nhiên.

Nhìn tổng thể, chính sách điều chỉnh môi trường của Nhật Bản đặt trọng tâm vào yếu tố con người, chủ thể của những tác động đối với môi trường tự nhiên. Bên cạnh việc khuyến khích người dân tham gia các phong trào vì môi trường cảnh quan tươi đẹp - tài sản quý giá của quốc gia thì Chính phủ luôn khuyến khích các nhà chuyên môn đưa ra các ý kiến, các giải pháp về bảo vệ và gìn giữ môi trường thiên nhiên.

Dựa trên những lợi thế của mạng thông tin quốc gia và quốc tế, Nhật Bản thúc đẩy các hoạt động điều tra, thu thập và cung cấp thông tin trên phạm vi cả nước, trong đó đặc biệt lưu ý đến các số liệu, các thông tin về sự xâm hại môi trường.

Trong các sáng kiến vì môi trường, Nhật Bản có chương trình “Bộ trưởng Môi trường tại gia” với số lượng gia đình đăng ký trên website của Hiệp hội Môi trường Nhật Bản là hơn 1 triệu hộ mỗi năm. Và một trong những hoạt động tích cực góp phần bảo vệ môi trường là các chương trình giáo dục môi trường đặc biệt dành riêng cho trẻ em, những người chủ tương lai của đất nước với Junior Eco-Club  - câu lạc giáo dục ý thức môi trường nổi tiếng dành cho tất cả trẻ em Nhật Bản.

Có thể nói, để bảo vệ môi trường tốt, giáo dục con người ngay từ “thuở còn thơ” đóng một vai trò quan trọng. Hơn nữa, không có cách gì tốt hơn để giáo dục ý thức của người dân bằng cách cho họ thấy những lợi ích thiết thực của việc bảo vệ môi trường trong từng khía cạnh của cuộc sống. Và người Nhật đã làm được điều đó.

 Hải Yến