Kỳ 2: Lênh đênh những vầng mây xa...

(ANTĐ) - “Hai đứa như hai vầng mây xa, trôi trên sóng bồng bềnh, bồng bềnh. Bao tháng năm đã từng trôi qua, mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh...”. Tôi chợt nhớ tới những câu hát trong bài Lênh đênh của nhạc sỹ Hồng Đăng khi nghe những kỹ sư lắp máy kể về cuộc sống của mình. Hùng từ Hà Tây, Lợi từ Đà Nẵng, Cường từ Nghệ An, Long từ Đồng Nai...

Dòng điện sáng lên từ đầm lầy Đất Mũi:

Kỳ 2: Lênh đênh những vầng mây xa...

(ANTĐ) - “Hai đứa như hai vầng mây xa, trôi trên sóng bồng bềnh, bồng bềnh. Bao tháng năm đã từng trôi qua, mà sao vẫn lênh đênh, lênh đênh...”. Tôi chợt nhớ tới những câu hát trong bài Lênh đênh của nhạc sỹ Hồng Đăng khi nghe những kỹ sư lắp máy kể về cuộc sống của mình. Hùng từ Hà Tây, Lợi từ Đà Nẵng, Cường từ Nghệ An, Long từ Đồng Nai...

>>> Kỳ 1: "Tây" làm thuê cho ta

Nhiều năm qua,  các kỹ sư trẻ này chưa bao giờ được ở cùng vợ con tới đêm thứ 3. Những lúc do yêu cầu căng thẳng của công việc, có người đã nửa năm không một lần về thăm nhà.

Các kỹ sư tại Trung tâm điều hành Nhà máy điện Cà Mau 2 đang chuẩn bị cho việc hòa lưới điện quốc gia

Các kỹ sư tại Trung tâm điều hành Nhà máy điện Cà Mau 2 đang chuẩn bị cho việc hòa lưới điện quốc gia

Anh đã đi suốt dọc chân mây

Bố mẹ ở Đà Nẵng, vợ con ở Đồng Nai, còn bản thân Lợi thì rong ruổi hết dự án này lại đến dự án khác. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyễn Duy Lợi đầu quân vào nghề lắp máy.

Bắt đầu từ sự đam mê khám phá, tìm tòi của tuổi trẻ, rồi cái nghiệp lênh đênh vận vào người từ lúc nào  không hay. 7 năm làm ở Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ là thời gian dừng chân lâu nhất, đủ để Lợi tạo dựng cho mình một mái ấm gia đình, với một cô vợ dễ thương người Đồng Nai.

Con gái chưa hết tuổi thôi nôi, chàng kỹ sư trẻ đã được điều ra Hà Nội để đảm nhận cương vị Phó Giám đốc dự án phụ trách thi công Trung tâm Hội nghị quốc gia, với yêu cầu ngặt nghèo về tiến độ để phục vụ Hội nghị cấp cao APEC.

Hoàn thành nhiệm vụ, được về thăm nhà đúng 2 ngày, Lợi lập tức phải vào Cà Mau để đảm trách vị trí Phó Giám đốc dự án Nhà máy điện Cà Mau. Khoảng cách gần 500km từ Cà Mau về Đồng Nai dẫu sao vẫn gần hơn nhiều so với từ Hà Nội.

Mỗi tháng, Lợi cố gắng về nhà với vợ con 1 - 2 ngày. “Kế hoạch là như thế, nhưng nhiều lúc bận quá, mấy tháng em mới về nhà được. Bà xã hiểu và thông cảm với nghề của em nên cũng đỡ” - Lợi nói.

Chuyên gia cao cấp Andreas Buettner của Siemens và Phó giám đốc Nguyễn Văn Hùng đang kiểm tra sự vận hành của hệ thống
Chuyên gia cao cấp Andreas Buettner của Siemens và Phó giám đốc Nguyễn Văn Hùng đang kiểm tra sự vận hành của hệ thống

Phó Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Hùng, năm nay chưa đầy 30 tuổi. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng trai Hà Đông này bắt đầu hành trình cùng các dự án của Lilama.

Vào Cà Mau từ tháng 8-2006, Hùng là một trong những người đầu tiên tham gia lắp ráp, hiệu chỉnh những thiết bị vô cùng phức tạp của dự án mà riêng hồ sơ kỹ thuật đã dày hơn 4.000 trang.

Sự chuẩn xác của dự án này là tuyệt đối, do đó từ chiếc tuốc-bin khổng lồ cho tới mỗi cái bu lông đều phải tuân thủ những quy định hết sức cụ thể, với bản thiết kế cực kỳ chi tiết.

Công việc quá bận, nhà quá xa, thường cứ 2 tháng Hùng mới có thể tranh thủ về thăm gia đình 1 lần trong 2 ngày nghỉ cuối tuần. Cô con gái 1 tuổi rưỡi chỉ được gặp bố với số lần đếm được trên đầu ngón tay.

 Hùng kể: “Bà xã em làm ở Hải quan Hà Nội, lúc đầu thấy chồng đi biền biệt thế này kêu ca lắm, nhưng rồi dần dần cũng cảm thông. Nghề của mình là như vậy mà”.

Tôi không hỏi và cũng không quan tâm xem thu nhập của những kỹ sư này là bao nhiêu. Có thể là bằng, cũng có thể cao hơn chút ít so với mặt bằng chung thu nhập hiện nay.

Nhưng có phải ai cũng có đủ niềm đam mê với nghề nghiệp, có phải ai cũng có thể bỏ qua những tính toán thiệt hơn, chấp nhận hy sinh hạnh phúc gia đình vì công việc như thế? Hỏi Lợi rằng sao không chọn việc khác để được gần nhà nhiều hơn, Lợi trả lời giản dị là đã “trót” quen và yêu thích công việc này rồi.

Vui cùng dòng điện

Sát cánh bên những kỹ sư Việt Nam tại dự án là những chuyên gia nước ngoài đa quốc tịch. Andreas Buettner là một chuyên gia cao cấp người Đức của tập đoàn Siemens về thử nghiệm hệ thống.

Những ngày chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia cho Nhà máy điện Cà Mau 2, Andreas Buettner luôn có mặt tại Phòng điều hành từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya.

Trước khi được phép hòa vào hệ thống điện quốc gia, một quy trình nghiêm ngặt gồm 8 bước cần phải được thử nghiệm và đạt kết quả tuyệt đối an toàn, nhằm bảo vệ mạng lưới, bảo vệ máy phát, bảo vệ sân trạm, bảo vệ hệ thống điện nội bộ... Tất cả mọi việc đều được thực hiện và theo dõi trên hệ thống máy tính.

Andreas Buettner bảo rằng mình là người có duyên nợ với Việt Nam. Ông từng là chuyên gia cao cấp của Siemens trong dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ. Tại đây, ông đã yêu và kết hôn với một cô gái Việt Nam, quê ở Thái Bình, cũng là nhân viên trong dự án.

Sau Phú Mỹ, ông cùng gia đình sang Thượng Hải (Trung Quốc) tham gia vào một dự án nhà máy điện lớn ở thành phố này. Và số phận lại đưa ông trở về Việt Nam.

Ông bảo rằng ông thấy rất dễ chịu khi làm việc với những kỹ sư Việt Nam: “Họ đều là những người trẻ tuổi vui vẻ, giỏi giang, chân thành và cầu thị. Chúng tôi có một không khí làm việc thật tuyệt vời”.

Thuê một căn nhà nhỏ ở thành phố Cà Mau, Andreas Buettner sống hạnh phúc với vợ và cô con gái bé bỏng. Ngày khai mạc giải bóng đá Euro 2008, ông cắm cờ Đức vào xe ôtô lái khắp công trường. Ai hỏi cũng trả lời như đinh đóng cột: “Đội Đức sẽ vô địch!”.

Andreas Buettner chỉ thắc mắc một điều, đó là ông không thể hiểu nổi vì sao, mấy tháng trước đây, Nhà máy điện Cà Mau 1 chỉ huy động không tới một nửa công suất, trong khi Việt Nam liên tục đưa ra cảnh báo thiếu điện. Ngay Cà Mau, quê hương của nhà máy điện cũng phải chịu cảnh cắt điện.

Đã có những chuyên gia nước ngoài bực bội chở nguyên chiếc tủ lạnh với những đồ ăn đã bị hỏng mang lên đặt trước cửa Ban Quản lý dự án, vì họ không chấp nhận tất cả những lý do đưa ra cho việc cắt điện khi nguồn điện vẫn còn dư thừa.

Chỉ có người Việt Nam mới hiểu được điều này. Tại Văn bản số 3502/DKVN-KĐ ngày 20-5-2008 gửi tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PV) - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Cà Mau đã thống kê rằng, có tới hơn 315 triệu Kwh chênh lệch giữa khả năng và thực tế huy động của Nhà máy điện Cà Mau 1 trong 4 tháng đầu năm 2008.

Còn đơn vị mua điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - giải thích lý do về việc huy động công suất thấp của Nhà máy điện Cà Mau là do giá điện tại đây cao hơn nguồn cung cấp khác!

Nghe ra nguyên nhân này, các chuyên gia nước ngoài tại dự án lắc đầu mà rằng: “Đầu tư một dự án điện như thế này tốn cả tỷ USD, ở bất cứ quốc gia nào cũng chỉ nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Đắt rẻ một vài cents/kwh không thể là lý do gây ra tình trạng thiếu điện”.

Đứng về phương diện kinh doanh mà nói, để tối đa hóa lợi ích, trong bối cảnh giá điện chưa tăng, thì không một doanh nghiệp nào ở vị trí của EVN lại không muốn hành xử như vậy.

Điều này càng dễ làm hơn vì EVN có đầy đủ “công cụ” trong tay là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, hệ thống truyền tải, phân phối và bán lẻ điện. Sẽ không thể tìm được tiếng nói chung khi mà các nhà đầu tư ngoài EVN không bán điện cho EVN thì cũng chẳng bán nổi cho ai!

Tuy nhiên, tình hình dường như đã được cải thiện khi tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về tình hình cung ứng điện mùa khô 2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: “Mục tiêu số 1 trong mùa khô năm nay vẫn là ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu điện, nhất là điện cho sản xuất và sinh hoạt thiết yếu.

Vì vậy, kể cả mua điện giá cao, sản xuất điện bằng dầu DO thì ngành điện cũng phải làm”. Những ngày đầu tháng 6 vừa qua, Nhà máy điện Cà Mau 1 đã được huy động gần hết công suất, trung bình khoảng 730MW/ngày.

Ngày nhà máy điện Cà Mau 2 hòa thành công vào lưới điện quốc gia là một ngày thật vui đối với các kỹ sư, chuyên gia, công nhân trên công trường. Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hệ thống vận hành trơn tru và tuyệt đối an toàn, nhưng giai đoạn khó khăn, vất vả nhất thì đã ở lại đằng sau.

Nguyễn Thanh Long - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp của dự án là thế hệ thứ 2 của những người thợ lắp máy trên công trường Nhà máy điện Cà Mau. 7 năm ở Cà Mau, Long đã thành người Cà Mau, với cô vợ là dân Cà Mau và một tổ ấm gia đình xinh xắn.

Long kể rằng, anh em lắp máy đều đặt nhạc chuông điện thoại riêng cho những người ở dự án là đoạn điệp khúc “Ơi đất mũi Cà Mau, xanh tươi và đẹp giàu...” trong bài hát Về Đất Mũi của nhạc sỹ Hoàng Hiệp (thơ Lê Giang).

Đó chính là tình yêu đối với vùng đất địa đầu của Tổ quốc, nơi mà họ đã gắn bó những tháng năm tuổi trẻ trong cuộc đời.

Thanh Bình