Mắc bệnh nặng vì tự làm bác sỹ:

Kỳ 1: Dung nhan biến dạng vì dược phẩm tự chế

ANTĐ - 4 ngày sau khi bôi thuốc, Tùng hoảng hồn thấy mặt mình đỏ ửng lên, đám mụn dưới cằm đã lan rộng đến quá nửa má trái và có hiện tượng viêm, loét. Cực chẳng đã, Tùng đành phải vào viện khám, các bác sĩ kết luận, cậu bị nhiễm trùng da.
Kỳ 1: Dung nhan biến dạng vì dược phẩm tự chế ảnh 1

Chỉ vì cái mụn trứng cá

“Đó là dạng nước, hơi sánh, sẫm màu, có mùi nồng của rượu, ngày bôi hai lần vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ”. Tùng kể lại và cho biết, thuốc đó là do Phương, chị họ của Tùng mang về “thấy bảo bôi khoảng 10 ngày là hết mụn nên cứ dùng” chứ cũng có biết đó là loại thuốc gì đâu. Còn Phương cũng không biết nhiều hơn Tùng, chỉ biết rằng, một anh bạn cùng lớp bảo rằng trước cũng bị nổi mụn ở mặt, trong một lần về quê ở một tỉnh miền núi, được ông lang gần nhà cho thuốc, bôi vào thấy đỡ nên mách lại cho Phương. Và Tùng thì cũng chẳng lấy đó làm sợ hãi, cậu bảo “chắc tại em không hợp thuốc!?”

Cũng giống như Tùng, Huấn thấy “ngứa mắt” với những cái mụn trứng cá mọc ngày càng nhiều trên khuôn mặt “điển trai” của mình và tìm cách “tiêu diệt” chúng. Nghe mấy ông anh, bà chị khóa trên mách nước, Huấn nhờ cô bạn ra chợ mua một lọ thuốc dạng kem, nhỏ như lọ đựng B1 về dùng. Chẳng nhãn, chẳng mác nên Huấn cũng không biết đó là loại thuốc gì, chỉ thấy nó màu hơi ngà vàng và có mùi khó chịu.

“Ngày đầu bôi vào mình thấy hơi ngứa nhưng vẫn cố bôi, được 3 hôm thì không chịu được nên ngừng bôi. Dừng thuốc được hơn 1 tuần mà mặt vẫn còn nổi đầy hạt nhỏ có nước, mình lại mua thuốc mỡ về bôi thế là các mụn nước vỡ ra lan xuống cả cổ. Thật đúng là chẳng cái dại nào bằng cái dại nào!”. Huấn nhăn nhó.

Chỉ vài nốt mẩn ngứa ở lòng bàn tay, Hùng được người nhà là dược sĩ “chẩn đoán” bị viêm da cơ địa và “kê đơn” thuốc cho về nhà bôi. Những nốt ngứa chẳng thấy dịu đi mà còn làm cho cả tay Hùng sưng tấy lên và mưng mủ gây nhiễm trùng…

Thực trạng đáng báo động

Kỳ 1: Dung nhan biến dạng vì dược phẩm tự chế ảnh 2
Sau khi bôi thuốc cả mặt Huấn sưng tấy lên

Tình trạng tự ý mua thuốc để bôi lên da như Tùng và Huấn, Hùng rất phổ biến. Theo TS. Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, bệnh viện Da liễu Trung ương, hàng ngày BV tiếp nhận hàng chục ca dị ứng nặng vì tự ý mua thuốc, mua dược phẩm tự chế hoặc mua mỹ phẩm tự chế về để sử dụng.

Những loại dược phẩm tự chế này được biết với cái tên thông dụng là kem trộn, bao gồm nhiều loại thuốc như B1, B6, Trangara... hay Cortibion, Becozym, Aspirin PH8, Vitamin E... đem trộn với nhiều loại kem khác nhau... về nghiền nát rồi trộn thành hỗn hợp “dưỡng da” để sử dụng.

Không chỉ thế, nhiều phụ nữ còn mua kem tẩy trắng da không có nguồn gốc xuất xứ về sử dụng với mong ước “da trắng đẹp không tì vết”. Nhưng kết quả không như mong đợi, nhiều người đã phải ấm ức, buồn bã khi thuốc tự chế phản chủ!.

Theo TS. Bác sĩ Nguyễn Duy Hưng, do cơ địa mỗi người khác nhau nên dẫn đến tình trạng thuốc hợp với ngày này nhưng lại gây phản ứng với người khác như với trường hợp của Tùng hay Huấn. Và cho biết, các giai đoạn phát triển của bệnh khác nhau, tùy từng giai đoạn bệnh mà người bệnh sử dụng thuốc bôi hay kết hợp giữa thuốc bôi và thuốc uống. Với Hùng, do bệnh đang ở giai đoạn đầu nên chỉ cần dùng kem dưỡng ẩm là có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc tự dùng thuốc không đúng đã làm bệnh của Hùng nặng hơn khiến cho việc điều trị kéo dài.

Cũng theo ông Hưng, không ít những trường hợp người bệnh tự mua thuốc về điều trị tại nhà gây nên những tổn thương nặng. Tuy nhiên, phần lớn họ đều phải đến BV da liễu để khám do “đơn thuốc” tự kê không chỉ khiến bệnh nặng hơn mà còn gây nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Hơn nữa, việc tự điều trị có thể gây nên những biến chứng, “nếu bôi thuốc không theo chỉ định, bôi quá nhiều thuốc có thể thẩm thấu qua da dẫn đến tình trạng teo da, dãn mạch, mọc lông và gây sạm da....

Bệnh về Da liễu có thể dễ dàng nhận thấy hậu quả vì phần lớn nó gây ra những tổn thương bên ngoài nhưng nếu như tự ý mua thuốc về  điều trị trong nhiều trường hợp bệnh khác thì không biết hậu quả sẽ như thế nào? Lý do gì khiến người dân lại thích tự làm bác sỹ như vậy?
Mời đón đọc kỳ 2 của loạt bài “Mắc bệnh nặng vì tự làm bác sỹ” lúc 8h30 ngày 7-8-2011.