Kinh tế Việt Nam vững vàng trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chuyên gia và truyền thông nước ngoài tiếp tục phản ánh những thành công kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Việt Nam đã để lại ấn tượng trong cộng đồng quốc tế là một đất nước an toàn, tiềm năng kinh tế lớn

Việt Nam đã để lại ấn tượng trong cộng đồng quốc tế là một đất nước an toàn, tiềm năng kinh tế lớn

Tờ Nikkei Asia Review lưu ý bất chấp đại dịch, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng và vững vàng hơn nhiều, và với tính chất cởi mở của thị trường, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hứa hẹn mang lại những cơ hội tăng trưởng to lớn. Việt Nam cũng như quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan nổi bật bởi thành công trong việc ngăn chặn kiềm chế dịch.

Tuy nhiên, theo ước tính mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của Việt Nam tăng 2,9%, trong khi kinh tế Thái Lan giảm sút 7,8%. Do quy mô thị trường lớn hơn và chi phí nhân công rẻ hơn, Việt Nam đã vượt Thái Lan về tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giá trị xuất khẩu.

Tờ Financial Express dẫn báo cáo của Economist Intelligence Unit, trong đó lưu ý rằng Việt Nam đã vươn lên biến thành một cơ sở sản xuất chi phí thấp trong chuỗi cung ứng châu Á, vượt trội hơn Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về nhiều chỉ số, bao gồm chính sách trong lĩnh vực FDI, ngoại thương và kiểm soát ngoại hối.

Báo The Star (Malaysia) có bài viết phản ánh sự kiện Việt Nam thành công ký nhiều hợp đồng với các đối tác châu Âu và các nước thành viên RCEP về cung cấp gạo. Tờ The Jakarta Post (Indonesia) đánh giá cao sự trỗi dậy của thương mại điện tử ở Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Dù thực tế là tiền mặt vẫn quan trọng như trước, nhưng số lượng thanh toán di động trong 8 tháng năm 2020 đã tăng gấp 10 lần so với cả năm 2019.

Đánh giá cao Việt Nam trong phát triển kinh tế và chống dịch Covid-19, ông Hiroyuki Moribe, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam (VERI) của Nhật Bản nhận xét: “Dưới góc nhìn của người dân Nhật Bản, thành công của Việt Nam là rất thần kỳ. Việt Nam đã để lại ấn tượng trong cộng đồng quốc tế là một đất nước an toàn, tiềm năng kinh tế lớn với lợi thế dân số đông”.

Theo ông Moribe, một trong những yếu tố quan trọng nhất là Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong bối cảnh Mỹ, châu Âu, khu vực Nam Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng nhanh. Ông Moribe nhấn mạnh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhanh chóng đưa ra biện pháp quyết liệt để đối phó với dịch Covid-19 như đóng cửa biên giới và người dân tuân thủ nghiêm túc các biện pháp này đã góp phần giúp Việt Nam thành công trong ứng phó với dịch Covid-19 và duy trì được hoạt động kinh tế thuận lợi.

Việt Nam là một trong số ít các nước duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020. Trong khi đó, tại Nhật Bản, làn sóng thứ ba của dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Moribe cho rằng Nhật Bản nên học hỏi Việt Nam về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Ông Moribe nhận định một khi dịch bệnh được kiểm soát và vaccine bắt đầu được đưa vào sử dụng, hoạt động đi lại giữa các quốc gia sẽ dễ dàng hơn và lượng người nước ngoài đến Việt Nam sẽ tăng lên, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại sôi động hơn và kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bền vững, ông Moribe cho rằng từ kinh nghiệm của các nước phát triển trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, điều quan trọng là đổi mới. Ông khẳng định Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về toán học và khoa học tự nhiên nên điều này là hoàn toàn trong khả năng. Nếu tận dụng tốt sự đổi mới, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.