Kinh tế Việt Nam trước kỳ vọng trở thành ngôi sao sáng

ANTD.VN - Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã đưa ra đánh giá rằng, triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn thuận lợi, với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6% trong năm 2016. Với kỳ vọng kinh tế toàn cầu đi lên, viễn cảnh tăng trưởng của Việt Nam có thể được nâng lên tới 6,3% trong các năm 2017-2018.

Năm 2017: Biến động và thử thách

Theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ là một năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi bao gồm cả Việt Nam. Sự kiện đáng chú ý và chắc chắn mang lại những tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế thế giới trong năm tới chính là việc người Mỹ đã lựa chọn được vị Tổng thống thứ 45. Tỷ phú Donald Trump, người đã chính thức trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ngay trong thời điểm tranh cử đã đưa ra nhiều chính sách khác biệt so với Tổng thống Barack Obama.

Sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu Chính phủ mới của Mỹ thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 12-2016 và khoảng 2-3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Đây là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao. Ngoài ra, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi do kỳ vọng FED tăng lãi suất. Xu hướng này sẽ gây khó cho các ngân hàng Trung ương tại các thị trường mới nổi khi khả năng cắt giảm lãi suất hầu như còn rất ít”. 

Ông Phạm Hồng Hải cho rằng, thông thường, các ngân hàng Trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được. Ngoài ra, Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố hạn chế thương mại toàn cầu và tập trung vào nền kinh tế nội địa. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia tập trung vào xuất khẩu qua thị trường Mỹ. “Hiện chúng ta chưa biết Tổng thống Donald Trump thực tế sẽ làm gì khi tiếp nhận nhiệm vụ vào tháng 1-2017. Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắn chắn nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính thế giới sẽ gặp nhiều biến động vì sẽ phải đương đầu với rủi ro khó kiểm soát, rủi ro chính trị”, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhìn nhận.  

Mặc dù hiện tại còn quá sớm để biết về những chính sách mà chính quyền của ông Donal Trump sẽ áp dụng với châu Á, nếu ông thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử, đây sẽ là nguyên nhân để lo lắng. Một quan điểm thương mại giới hạn chặt chẽ hơn từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia xuất khẩu và nhận đầu tư như Việt Nam khi Mỹ chiếm tới 1/5 lượng xuất khẩu từ Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại nghiêng về bảo hộ của Mỹ từ đó dẫn tới cầu về hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam giảm xuống, gây ảnh hưởng gián tiếp tiêu cực tới Việt Nam.

Theo các chuyên gia, làn sóng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa cực đoan đang xuất hiện tại nhiều quốc gia do chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia và giữa các tầng lớp lao động tại cùng một quốc gia. Pháp và Đức sẽ có cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2017 các sự kiện này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai của EU. Sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) và bầu cử tại Mỹ vừa qua, sẽ rất khó dự báo kết quả của các cuộc bầu cử nêu trên. 

Việt Nam: Tăng trưởng sẽ cao hơn

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam phân tích: “Tăng trưởng GDP năm 2016 dự kiến xoay quanh 6% nhờ sức cầu mạnh trong nước và các ngành sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017-2018 nhờ sản xuất nông nghiệp được phục hồi và triển vọng kinh tế toàn cầu tiếp tục cải thiện”.

Tuy nhiên, các chuyên gia WB cũng cho rằng, vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể có thể tác động bất lợi đến triển vọng kinh tế trong trung hạn. Nhìn từ trong nước, những cải cách tài khóa và chuyển đổi cơ cấu nếu bị triển khai chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ dễ tổn thương về kinh tế vĩ mô và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Trong khi đó, tình hình thị trường tài chính toàn cầu chưa khởi sắc và viễn cảnh tăng lãi suất do dự báo về thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ cũng làm dấy lên một số lo ngại. 

Theo các chuyên gia, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng xuất khẩu cùng lượng kiều hối tăng mỗi năm là những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực. Ông Ashish Kanchan, Giám đốc Điều hành Công ty Kantar TNS Vietnam cho biết, kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng trong năm 2017 tại Việt Nam do công ty thực hiện cho thấy các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao như giáo dục, y tế, công nghệ, nhà hàng, khách sạn, ôtô. Ngành thực phẩm, tiêu dùng nhanh, bán lẻ... cũng có nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Tương lai: “Con hổ kinh tế” mới của châu Á?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động đầy bất ngờ trong năm 2017, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải kỳ vọng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực: “Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác”.

Theo ông Phạm Hồng Hải, kỳ vọng nêu trên được đưa ra trên cơ sở những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần. Đặc biệt là cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai. 

Nhờ các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy móc từ các nước trong khu vực sang Việt Nam sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới. Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải phân tích: “Để có thể tận dụng tốt được xu hướng này, Chính phủ cần hết sức quan tâm đến chất lượng của các dự án đầu tư nước ngoài, cụ thể tác động tới môi trường của dự án và tăng cường khả năng kết nối của các doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Bài học của Trung Quốc và một số quốc gia khác và chính Việt Nam trong thời gian qua khi phát triển các ngành công nghiệp nhưng thiếu kiểm soát tác động của môi trường đáng để chúng ta suy ngẫm và ứng xử cho phù hợp”.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, chiến lược phát triển dựa vào nhân công giá rẻ sẽ không thể là một chiến lược bền vững của một quốc gia. Việt Nam cần xác định những thế mạnh cạnh tranh bền vững của mình (Ví dụ: nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin...) và cần đầu tư vào công nghệ trong các lĩnh vực này để tạo giá trị cạnh tranh bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc và có biện pháp thúc đẩy đối với một số lĩnh vực đang ảnh hưởng tới nền kinh tế.

“Nếu chúng ta thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách 3 lĩnh vực kinh tế (bao gồm ngân hàng, các doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công), cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai”, ông Phạm Hồng Hải bày tỏ sự lạc quan.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) nhận định: “Năm 2017, Việt Nam sẽ đối mặt với 3 vấn đề chính. Thứ nhất là nông - lâm - ngư nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Tiếp đến, công nghiệp và xây dựng sẽ gặp nhiều thách thức trong sản xuất và đầu tư. Và ngành dịch vụ sẽ giảm doanh thu do sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng và chưa có dấu hiệu phục hồi”.