Kinh tế Trung Quốc lao dốc

ANTĐ - Trước những dấu hiệu lao dốc rất rõ rệt của nền kinh tế từng giữ vai trò “quán quân tăng trưởng” của thế giới trong thời gian dài, Trung Quốc đang tính tới những cải cách mạnh mẽ nhằm kìm hãm tốc độ suy giảm kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc đang suy giảm khi sản xuất đình đốn và hàng tồn kho nhiều

Khá bất ngờ vì trong cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung Quốc – Mỹ (S&ED) lần thứ 5 kết thúc ngày 12-7 ở Thủ đô Washington của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ cho rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2013. Ông Lâu Kế Vĩ còn phác thảo bức tranh kinh tế Trung Quốc ảm đảm hơn với dự báo kinh tế nước này có thể “phải chịu đựng” mức tăng trưởng 6,5% trong tương lai. 

Theo Bộ trưởng Lâu Kế Vĩ, kinh tế Trung Quốc chỉ có thể tăng trưởng 7% trong năm nay, thấp hơn mức 7,5% mà nước này đưa ra tháng 3 vừa qua. Chưa nói tới mức tăng trưởng 6,5% mà ngay 7% cũng đã là mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Trung Quốc trong suốt 23 năm qua.

Những nhận định mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc được đích thân Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ đưa ra trong bối cảnh các số liệu thống kê mới nhất cho thấy những dấu hiệu bất ổn và lao dốc thấy rõ của kinh tế nước này. Theo các số liệu của Trung Quốc công bố mới đây, xuất khẩu đã giảm 3,1% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường là tăng trưởng khoảng 4%, trong khi nhập khẩu cũng giảm 0,7% và thặng dư mậu dịch giảm xuống chỉ còn hơn 27 tỷ USD.

Việc Bộ trưởng Trung Quốc công khai nhìn nhận thực tế  tăng trưởng chậm lại của kinh tế nước này được giới chuyên gia cho rằng đó là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ấp ủ những cải cách mới để ứng phó với kịch bản tăng trưởng kinh tế có nguy cơ rơi xuống mức thấp nhất trong 23 năm qua. Phát biểu đầu tháng 7 này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này đang tập trung thay đổi chính sách, tái cấu trúc nền kinh tế để có thể tạo ra tăng trưởng bền vững hơn. 

Cả hai ông Lý Khắc Cường và Lâu Kế Vĩ không nói rõ hơn Trung Quốc sẽ tái cấu trúc và cải cách ra sao nhưng các nhà phân tích kinh tế cho rằng nước này sẽ giảm vai trò của nhà nước, đi đôi với tăng cường vai trò của tư nhân trong nền kinh tế nhằm cải thiện sức cạnh tranh. Kinh tế nhà nước, với đòn bẩy tín dụng, từng giữ vai trò then chốt, là động lực chính thúc đẩy thời kỳ tăng trưởng vừa qua của Trung Quốc, song đang ngày càng bộc lộ những giới hạn lớn.

Ông Stephen Green, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered  (Anh) và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho rằng giảm vai trò nhà nước và tăng vai trò tư nhân trong nền kinh tế thực sự là quyết sách có tính đột phá của ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Ông Huang Yiping, nhà kinh tế trưởng khu vực thị trường châu Á mới nổi tại ngân hàng Anh Barclays, thì nhìn nhận rằng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nhận ra rằng nếu tiếp tục trì hoãn đổi mới, nền kinh tế nước này sẽ lâm vào khó khăn lớn.

Ngăn chặn thành công hay không đà lao dốc của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vị thế, vai trò của Trung Quốc trên thế giới. Mới chỉ có dấu hiệu suy giảm mà tại S&ED lần thứ 5, Mỹ thay vì bị Trung Quốc chỉ trích tại 4 cuộc đối thoại trước đó đã lần đầu tiên “nhắc nhở” Bắc Kinh cần phải thay đổi các chính sách kinh tế.