Kinh tế tiếp tục khởi sắc

ANTĐ - Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 và 9 tháng qua. So với tháng 8-2015, CPI tháng 9 giảm 0,21% và đúng bằng tháng 9-2014. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua (kể từ năm 2006), CPI tháng 9 giảm. Hơn nữa, cũng chưa từng có việc CPI tháng 9 so với cùng kỳ không biến động. Lãnh đạo Tổng cục Thống kê đã trao đổi với báo chí xung quanh diễn biến giá cả này.

Kinh tế tiếp tục khởi sắc ảnh 1Lần đầu tiên trong 10 năm qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 giảm. Ảnh: PHÚ KHÁNH

- PV: CPI tháng 9 cũng như 9 tháng qua tăng thấp và diễn biến khá bất thường. Một số ý kiến cảnh báo lạm phát quá thấp sẽ không tốt cho nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát hiện nay có vấn đề gì không, thưa bà? 

- Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê): CPI tăng thấp trong tháng 9 và 9 tháng qua có cả nguyên nhân từ chính sách và từ thị trường. Về thị trường, giá xăng dầu giảm rất mạnh làm CPI tăng rất thấp. Chỉ tính riêng giá xăng dầu đã làm CPI giảm 0,62% trong 9 tháng. Giá gas giảm liên tiếp cũng làm CPI giảm 0,3%. Hai mặt hàng trên đã đóng góp 0,9% vào mức giảm CPI nói chung. Chưa kể, giá một số mặt hàng như: nông sản, gạo… giảm do nguồn cung dồi dào. Chúng ta đang có kế hoạch đưa giá một số mặt hàng theo thị trường, CPI tăng thấp là cơ hội để thực hiện kế hoạch này. 

- PV: Mức tăng thấp của CPI như trên tác động như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng? GDP sẽ đạt hay vượt mục tiêu đề ra, thưa ông?

- Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Theo nghiên cứu của chúng tôi, không phải cứ CPI tăng cao thì GDP mới tăng. CPI tăng thấp có nguyên nhân quan trọng là giá xăng dầu giảm rất mạnh, làm chi phí đầu vào giảm. Bên cạnh đó, mặc dù CPI tăng thấp nhưng một số chỉ tiêu phản ánh tổng cầu vẫn tốt. Chẳng hạn tổng mức bán lẻ 9 tháng qua tăng trên 9%, trong khi so với cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 6,22%. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay vẫn tốt.

- PV: Đây có phải là thời điểm tốt để giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Bích Lâm: Chính sách tiền tệ hay hạ lãi suất cho vay phụ thuộc nhiều yếu tố như: các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, lượng cung tiền trong nền kinh tế, tín dụng, khả năng huy động và cả CPI. Nếu CPI thấp tạo điều kiện cho người dân tăng đầu tư. Khi đó, nếu huy động vốn không tốt thì ngân hàng có thể tăng lãi suất để huy động vốn. CPI thấp là điều kiện để Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách thích hợp.

- PV: Theo Tổng cục Thống kê, các đợt điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ tỷ giá vừa qua có tác động như thế nào đến CPI, thưa bà?

- Bà Đỗ Thị Ngọc: Cùng với việc phá giá của đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng 3% và nới biên độ giao dịch tỷ giá lên 3% thời gian qua đã tác động đến giá một số mặt hàng nhập khẩu và giá trị nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, tác động đến mức tăng chung CPI năm 2015 khoảng 0,72%. 

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý) tháng 9-2015 tăng 0,06% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng 2,15% so với cùng kỳ năm 2014. 

Ông Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế, Tài chính (Bộ Tài chính): CPI tăng thấp hoàn toàn do thị trường, giá nhiều mặt hàng và nguyên vật liệu đều giảm. Cuộc sống người dân ổn định hơn. Về mặt vĩ mô, kinh tế cũng ổn định. Tuy nhiên, CPI thấp có thể làm giảm thu ngân sách vì thị trường ít sôi động, doanh nghiệp lợi nhuận ít, nộp ngân sách sẽ thấp đi.