Kinh tế thế giới tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc Trung Quốc

ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 ngoài việc khiến gần 4,4 triệu người mắc bệnh và gần 300.000 người tử vong còn gây ra cơn đại địa chấn đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng được cho là trầm trọng nhất kể từ thời đại suy thoái đầu những năm 1930, nhiều quốc gia thấy rằng họ quá phụ thuộc vào thị trường và chuỗi cung ứng từ “đại công xưởng” Trung Quốc.

Nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia đang xúc tiến kế hoạch di dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc

Lao đao vì “bỏ trứng vào một giỏ”

Các số liệu kinh tế ảm đạm mới nhất cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế liên tục cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ đẩy thế giới vào suy thoái trầm trọng nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng vào những năm 1930. 

Bên cạnh nguyên nhân chính do “đóng cửa” nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư để phòng chống đại dịch, có một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là nhiều nền kinh tế lớn của thế giới đã phụ thuộc lớn vào thị trường cũng như chuỗi cung ứng từ “đại công xưởng” Trung Quốc. Rõ thấy và cũng nóng bỏng nhất là về các trang thiết bị y tế và khẩu trang phục vụ cho phòng chống dịch Covid-19 khi Trung Quốc là nơi cung ứng chủ yếu máy thở, thiết bị xét nghiệm nhanh, khẩu trang… cho thế giới nên nhiều quốc gia đã phải “méo mặt” vì thiếu những thứ trang thiết bị vô cùng thiết yếu để cứu chữa bệnh nhân cũng giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 này.

Trang thiết bị y tế chỉ là một phần những vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như thị trường mà kinh tế nhiều nước qua đại dịch Covid-19 thấy phụ thuộc lớn vào quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thế giới đang phụ thuộc vào Trung Quốc ở mức độ chưa từng có khi quốc gia này hiện đã trở thành bộ phận quan trọng trong cỗ máy công nghiệp toàn cầu, chiếm 1/6 tổng GDP toàn cầu và là công xưởng của cả thế giới.

Đại dịch Covid-19 càng cho thấy cái giá phải trả cho sự phụ thuộc vào Trung Quốc lớn đến mức nào. Hãng Nikkei Asian Review trích một nghiên cứu chỉ ra là nếu sản xuất tại Trung Quốc cứ giảm 10 tỷ USD, sản xuất tại phần còn lại của thế giới sẽ giảm 6,7 tỷ USD. Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nền kinh tế lớn ở châu Âu là các nước cảm nhận rõ nhất tác động này. 

Các “ông lớn” toàn cầu từ công nghiệp, công nghệ cho tới dịch vụ như GM, Toyota, Honda, Honeywell, Starbucks, Facebook, Bloomberg… đã lao đao vì “bỏ nhiều trứng” vào “chiếc giỏ” Trung Quốc. Trong đó, Starbucks phải đóng nửa số cửa hàng tại Trung Quốc, là thị trường lớn nhì của họ sau Mỹ; CEO Apple Tim Cook cho biết đã gặp nhiều khó khăn do “thiếu hụt nguồn cung” và Foxconn - Hãng sản xuất các thiết bị cho Apple - phải đóng cửa thời gian dài nhà máy ở Trung Quốc.

Hãng xe Hyundai Motor cũng đã phải đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc, do bị gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Trong khi hai “ông lớn” xe hơi của Nhật Bản là Toyota và Honda cũng phải đóng cửa các nhà máy tại Trung Quốc do đại dịch. 

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, di dời khỏi Trung Quốc

Trước đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động không nhỏ tới nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia tại Trung Quốc khiến họ đã phải cân nhắc lại chiến lược hoạt động tại Trung Quốc, tính tới việc di dời khỏi thị trường này. Nay đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy những “ông lớn” của thế giới xúc tiến kế hoạch “thoát Trung”, nhất là khi kế hoạch này được sự hậu thuẫn của chính giới.

Nhật Bản đã công bố sáng kiến trị giá 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các hãng sản xuất của nước này muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Trong đó, 2 tỷ USD để dành hỗ trợ các công ty chuyển về Nhật Bản và phần còn lại hỗ trợ các doanh nghiệp dời sang nước thứ ba. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo mong muốn, những sản phẩm phụ thuộc vào một quốc gia và có giá trị gia tăng cao sẽ quay về Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cho rằng, kể cả các sản phẩm không phụ thuộc vào một quốc gia và không có giá trị gia tăng cao thì cũng nên đa dạng hóa sản xuất sang khu vực ASEAN.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi vào Nhà Trắng đã thúc giục các công ty Mỹ đưa sản xuất về nước này, nay càng muốn đẩy nhanh quá trình này trong bối cảnh gặp khó khăn thời đại dịch. Hãng Reuters cho biết, Bộ Thương mại, Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan chính phủ khác của Mỹ đang tìm cách thúc đẩy các công ty tìm nguồn hàng và chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. 

Giới thức Mỹ đã thảo luận về những ưu đãi thuế và trợ cấp chuyển sản xuất để khuyến khích công ty nước này dời Trung Quốc về nước. Trong một bài phỏng vấn trên Fox News, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng, Chính phủ nên hỗ trợ toàn bộ chi phí cho các công ty Mỹ trở về nước từ Trung Quốc.

Không chỉ muốn các công ty rời Trung Quốc về Mỹ, Washington cũng khuyến khích việc chuyển sản xuất đến nước khác. Hiện Mỹ đang thúc đẩy thành lập một liên minh các đối tác tin cậy có tên “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” bao gồm các công ty, tổ chức xã hội đang hoạt động với cùng tiêu chuẩn trong mọi vấn đề, từ kinh doanh số, năng lượng và hạ tầng đến nghiên cứu, giáo dục và thương mại. Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết, Mỹ đang làm việc với các đối tác như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để bàn cách về “tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để ngăn tình hình hiện tại tái diễn”. 

Tất nhiên, không dễ để các tập đoàn, công ty đa quốc gia dời Trung Quốc, một thị trường lớn hàng đầu thế với 1,4 tỷ người tiêu dùng, song nguyên tắc kinh doanh “không bỏ trứng vào một giỏ” ngày càng đúng nếu nhìn vào chiến thanh thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như đại dịch Covid-19.