Kinh tế thế giới “khó thở”

ANTĐ - Hiếm có khi nào cả hai định chế tài chính hàng đầu thế giới là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thanh cảnh báo về tương lai ảm đạm của   kinh tế toàn cầu. 

Triển vọng kinh tế thế giới rất khó dự đoán

Dự báo mới nhất của Bộ phận Phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh) đã hạ mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo sức mua từ 4% trong năm 2011 và 2012 xuống còn 3,6% trong năm nay và 3,5% trong năm 2012. EIU cũng hạ mức dự báo tăng trưởng đối với tất cả các khu vực chính của thế giới vì tình hình kinh tế ảm đạm của Mỹ và châu Âu, hai đối tác lớn của các nước đang phát triển. 

Không chỉ tụt giảm tốc độ tăng trưởng, kinh tế thế giới còn bị Tổng giám đốc IMF C. Lagarde cảnh báo đang rơi vào “một giai đoạn đầy nguy hiểm” và “những nguy cơ toàn cầu khiến sự hồi phục kinh tế mong manh đã bị chệch hướng”. Còn Chủ tịch WB R. Zoellick thì cho rằng thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới “nguy hiểm hơn” với rất ít “chỗ thở” tại hầu hết các nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công đang tiếp tục hoành hành châu Âu.   

Về nguyên nhân của tình trạng này, trong báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” công bố hồi tháng 6, IMF cho rằng thế giới đang phải hứng chịu tác động tiêu cực từ sự chững lại của hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Nhật Bản, yếu tố đang gây hiểm họa tiềm ẩn ở các nền kinh tế thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở nên nguy hiểm hơn. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi lại phải đối mặt với nguy cơ lạm phát cao, các bong bóng giá tài sản xuất hiện và sức ép tỷ giá hối đoái tăng cùng với nguy cơ do phát triển quá nóng. 

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đề cập việc kinh tế thế giới đang chịu tác động tiêu cực từ toàn cầu hoá, khiến các tai họa tài chính dễ bùng nổ hơn. Theo OECD, ngoài các hiểm họa thường xuyên như chiến tranh, sự xâm chiếm, nạn đói…, thế giới còn đứng trước 5 “cơn sốc toàn cầu”, bao gồm dịch bệnh do virus, các cuộc tấn công trong không gian mạng, các cuộc khủng hoảng tài chính, rối loạn kinh tế xã hội và các cơn bão địa từ. 

Có thể nói lời giải thích về nguyên nhân sụt giảm của kinh tế thế giới không thiếu. Tuy nhiên, đâu là lối thoát cho tình trạng trì trệ này thì lại không thấy mấy lời khuyên. Nhìn tổng thể, giải pháp nêu trong báo cáo “Hiện trạng kinh tế thế giới và triển vọng” của LHQ xem ra có tính thuyết phục hơn cả. Báo cáo này nhấn mạnh, để thoát khỏi sự trì trệ, các nền kinh tế thế giới phải quan tâm tới 5 vấn đề. Một là các nước phát triển cần thận trọng thúc đẩy chính sách tài chính khắc khổ do phục hồi kinh tế vẫn mong manh và thất nghiệp còn cao. Hai là cần có chính sách tạo thêm việc làm và thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhằm duy trì tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn. Ba là cần có các thoả thuận về quy mô, tốc độ và thời điểm nới lỏng các chính sách tài chính để xử lý mất cân bằng kinh tế thế giới. Bốn là các nước đang phát triển cần đảm bảo đủ các nguồn lực đáp ứng các nhu cầu phát triển lớn. Năm là tìm các biện pháp để thúc đẩy phối hợp chính sách hiệu quả và tin cậy giữa các nền kinh tế lớn.