Kinh tế năm 2012: Tin vào cách điều hành linh hoạt của Chính phủ

ANTĐ - TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Trung ương chia sẻ về bức tranh kinh tế năm 2012.

Với những chính sách vĩ mô chặt chẽ và sự điều hành linh hoạt của

Chính phủ, năm 2012 kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu tích cực

- P.V: Có thể nói năm vừa qua là một năm đầy sóng gió của nền kinh tế Việt Nam. Dưới con mắt của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về nền kinh tế trong năm 2011?

- TS. Võ Trí Thành: Năm 2011 là một năm đầy sóng gió, khó khăn và thử thách đối với cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Thử thách với Chính phủ là một năm rủi ro, bất ổn tăng lên rất cao, lòng tin của thị trường vào ổn định kinh tế vĩ mô thấp. Lòng tin với tiền đồng Việt Nam cũng thấp. Trong bối cảnh ấy Chính phủ phải có một thông điệp mạnh mẽ về ổn định kinh tế vĩ mô. Một thách thức nữa đối với Chính phủ là quá trình cải cách đã tạo ra những bước chuyển căn bản rất lớn. Tuy nhiên những lợi thế về lao động giá rẻ, tài nguyên cũng cạn dần, đòi hỏi cách phát triển mới hiệu quả, thân thiện với môi trường, hài hòa với xã hội. Đối với doanh nghiệp, khó khăn đầu vào sản xuất, giá cả nguyên liệu thế giới cao. Chính phủ thắt chặt chính sách vĩ mô thì lãi suất tăng, lương tăng. Trong khi đó chi phí bên cung tăng, bên cầu co lại, doanh nghiệp khó cả hai cửa. Họ cũng đã chống chọi vất vả nhiều năm rồi. Còn người dân, nhất là những người thu nhập thấp, lạm phát gia tăng thì phúc lợi thực giảm.

- Vậy bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ như thế nào, có thể hy vọng không thưa ông?

- Năm tới sẽ thực sự là một năm khó khăn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng năm 2012, kinh tế thế giới tăng trưởng giảm, đầu tư giảm so với năm 2011. Việt Nam là nền kinh tế mở nên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Tỉ trọng đầu tư so với GDP đều thấp đáng kể so với trước đây. Chính sách tiền tệ chặt chẽ. Khó khăn tiếp tục. Doanh nghiệp cũng đã rất mệt mỏi, cạn kiệt nguồn lực. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên dưới 6% là cực kỳ khó khăn.

Trong  cái khó ấy mình vẫn phải kiên định với mục tiêu đã chọn. Tuy nhiên trong chừng mực nào đó chúng ta vẫn có thể hạn chế được phần nào khó khăn và thậm chí có thể làm tốt hơn 2011. Nếu chúng ta dần ổn định, lạm phát xuống, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn thì Việt Nam vẫn có thể là một điểm đến của các dòng vốn nước ngoài. Thêm vào đó, xuất khẩu năm nay cũng tốt, nếu doanh nghiệp biết duy trì những thị trường cũ như Mỹ, EU và những thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Năm tới chúng ta có thể hy vọng vào chính sách vĩ mô chặt chẽ, cách điều hành linh hoạt của Chính phủ, bám sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới. Bên cạnh đó cần một nỗ lực để tìm kiếm nguồn vốn mới vào thị trường kết hợp cả nỗ lực Chính phủ, doanh nghiệp và một số biện pháp đảm bảo an sinh xã hội tốt hơn nữa thì hoàn toàn có thể hy vọng chúng ta vừa ổn định được kinh tế vĩ mô, vừa đạt được mức tăng trưởng không gây những xáo trộn lớn. Và chúng ta cũng đang kỳ vọng vào một cuộc cải cách quyết liệt, tái cấu trúc nền kinh tế này. Tất cả phụ thuộc rất nhiều vào nghệ thuật điều hành của Chính phủ, vào doanh nghiệp trong việc tìm kiếm đầu tư, xúc tiến thương mại.

- Trân trọng cảm ơn TS!