Kinh tế Mỹ ảm đạm, chứng khoán Âu - Mỹ đi xuống

ANTD.VN - Kết thúc phiên giao dịch ngày 10-8, thị trường chứng khoán Phố Wall đều đồng loạt giảm điểm với các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq lần lượt hạ 0,2%, 0,3% và 0,4% xuống còn 18.495,66 điểm, 2.175,49 điểm và 5.204,58 điểm. 

Trong khi đó, thị trường châu Âu có những phản ứng trái chiều. Chỉ số chứng khoán ở London ghi nhận mức tăng nhẹ 0,2% lên 6.866,42 điểm còn các chỉ số chứng khoán chủ chốt khác đều  giảm mạnh. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt, chỉ số CAC 40 trên sàn Paris và chỉ số EURO STOXX 50 đều giảm 0,4%.

Sàn chứng khoán châu Á cũng theo bước của thị trường Âu - Mỹ, phiên giao dịch ngày 10-8 cũng chứng kiến sự giảm mạnh của các chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 0,18%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,21% và Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,19%. Trong khi đó, chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản - MIAPJ0000PUS MSCI giảm 0,2 %, chứng khoán Thượng Hải cũng chốt phiên giảm điểm do giới đầu tư giao dịch cầm chừng để chờ đợi thêm các tín hiệu khác về kinh tế. Kết thúc phiên này, chỉ số Shanghai Composite để giảm 0,2% xuống 3.018,75 điểm. Chứng khoán Sydney và Jakarta cũng lần lượt đóng cửa với chỉ số giảm 0,2% và 0,4%. 

Tại thị trường tiền tệ, dù có những tín hiệu tích cực từ sàn chứng khoán, đồng bảng Anh của nước này gặp khó khăn trong việc khôi phục từ sau Brexit giảm 0,03%. Trong khi đó, ở thị trường châu Á, đồng yên tăng 0,84% vì  trước tình hình bất ổn của thị trường Âu - Mỹ các nhà đầu tư đã đổ xô đầu tư vào đồng yên. Đồng USD cũng giảm 0,5% so với đồng yên còn 101,30.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được cho là do giá dầu giảm mạnh. Vào ngày thứ tư vừa qua, giá dầu thô của Mỹ giảm 2,48% xuống còn 41,71$ sau khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) được công bố. Các số liệu cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 1,1 triệu thùng nâng tổng số trữ lượng dầu thô lên 523,6 triệu thùng. Điều này gây sức ép lên các công ty năng lượng của Mỹ đã khiến cho cổ phiếu của các công ty này giảm mạnh. Ngoài ra, thông tin năng suất lao động quý III của Mỹ tiếp tục giảm gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và nó cũng làm cho hy vọng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trở nên mong manh hơn.