Kinh tế khó khăn, vẫn sính hàng ngoại

ANTĐ - Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, đặc biệt là hàng tiêu dùng nhưng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này vẫn gia tăng.

Nâng cao sức cạnh tranh hàng nội góp phần xóa tâm lý sính ngoại vô lối. Ảnh: NGUYÊN VŨ

Nhập khẩu sữa tăng

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này vẫn tăng trong những tháng cuối năm 2012. Riêng tháng 12-2012, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 68,4 triệu USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Hiện nay, chế biến sữa trong nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu, 50% là nhập nguyên liệu từ bên ngoài về chế biến và 22% còn lại là sữa thành phẩm nhập khẩu. Cả nước có hơn 60 doanh nghiệp với 300 nhãn hiệu tham gia sản xuất, chế biến sữa nhưng tổng sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Khoảng trống thị trường ngay từ ban đầu đã tạo cơ hội cho sữa ngoại xâm chiếm mạnh mẽ thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, do những thông tin về sản phẩm sữa ngoại không đạt chất lượng trong thời gian qua, gây hoang mang cho người tiêu dùng nên sữa nhập khẩu gặp bất lợi. Cả năm 2012, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 771,5 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong tháng 1-2013, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng sẽ tiếp tục giảm khoảng 4,3% so với tháng 12-2012. 

Kinh tế khó khăn cộng với những bất lợi nêu trên đang khiến người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang dùng sữa sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh và độ an toàn cao hơn. Trong những ngày đầu năm 2013, giá sữa ngoại tại thị trường Việt Nam lại rục rịch tăng, khiến khả năng nhập khẩu mặt hàng này tiếp tục giảm. Nhưng trên thực tế, các chuyên gia nhận định, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này khó giảm nhanh, bởi Việt Nam vẫn phải nhập rất nhiều nguyên liệu.

Tâm lý sính ngoại nặng nề

Hàng trong nước đã sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng cần phải hạn chế nói chung vẫn trong đà tăng. Trong tháng 12-2012, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng cần hạn chế nhập khẩu như: sữa và sản phẩm sữa, hàng rau quả, bánh kẹo, dược phẩm… đạt 1,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với tháng 11 nhưng tăng 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 14,85 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2011 và chiếm đến 12,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. 

Đáng chú ý, một số mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh về kim ngạch nhập khẩu như: nhập khẩu bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 60,6% so với năm 2011; nhập khẩu sản phẩm chất dẻo tăng 12,1%; nhập khẩu điện thoại và linh kiện tăng 72,7%... Chỉ có những mặt hàng mà nhu cầu tiêu dùng sụt giảm thực sự mới giảm kim ngạch như: dầu mỡ động vật, sản phẩm từ giấy, ô tô nguyên chiếc, xe máy nguyên chiếc... khiến doanh nghiệp giảm nhập khẩu. Nhiều sản phẩm trong nước có thể tự sản xuất được nhưng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 vẫn tăng khá mạnh, chứng tỏ sức cạnh tranh của hàng trong nước chưa cao. Người tiêu dùng vẫn chọn hàng ngoại cho những tiêu dùng hàng ngày.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá cao các biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng trong nước đã sản xuất được, tuy nhiên, việc thay đổi tâm lý người tiêu dùng rất khó. Quá trình này chỉ thu được hiệu quả khi doanh nghiệp sản xuất trong nước cầu thị, đổi mới và tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng.