Kinh tế Hà Nội tiếp tục tăng trưởng 7,4%

ANTĐ - Sáng 6-6, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố trong 6 tháng đầu năm tăng 7,4%.

Giá cả thị trường trên địa bàn thành phố được kiểm soát tốt
Ảnh: Phú Khánh

GRDP bằng 1,5 lần mức tăng chung của cả nước

Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, các ngành đều duy trì tăng trưởng nhưng hầu hết còn thấp hơn mức cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, bằng 1,5 lần mức tăng của cả nước nhưng thấp hơn mức tăng 7,67% của cùng kỳ năm ngoái. 

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu  năm nay là thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm dần. Số lượng nhà, căn hộ tồn kho giảm 1.612 căn, còn 5.366 căn. Số lượng giao dịch thành công tại các sàn giao dịch bất động sản tăng đáng kể, đã có hơn 1.600 giao dịch thành công, bằng 145% của cả năm 2013. Lượng giao dịch lớn tập trung ở dự án TimesCity, No9 Cầu Giấy… 

Bên cạnh đó, xuất khẩu có xu hướng phục hồi ở tất cả các khu vực kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu quý II tăng 18,8%, gấp gần 2 lần mức tăng của quý I (9,8%). Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước tăng 14,4%. Một số mặt hàng tăng cao là: điện tử, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, may, dệt… Riêng nhóm hàng giày dép các loại và sản phẩm từ da tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Giá cả thị trường được kiểm soát tốt. Công tác bình ổn thị trường được triển khai rộng rãi. Chỉ số giá tiêu dùng ước tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2013. 

Từ đầu năm đến nay, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như: tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn để sản xuất kinh doanh; rà soát, phân loại dự án bất động sản; triển khai việc cho vay hỗ trợ nhà ở. Tích cực huy động vốn đầu tư cho phát triển.

Những kết quả đáng mừng trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần vào việc duy trì và ổn định trật tự xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế... An ninh trật tự được đảm bảo, không để phát sinh các “điểm nóng”, đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ, Tết. Số vụ trọng án đã giảm 24,5%. 

Đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm nay, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế quý sau đã tăng cao hơn quý trước. “Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, tích cực chỉ đạo của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND thành phố trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội và một số lĩnh vực nên đã thu được kết quả tích cực”- Chủ tịch UBND thành phố nói.

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu cả năm

Năm 2014, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 8,5-9%. Như vậy, trong 6 tháng còn lại của năm nay, tăng trưởng phải đạt là 9,8-10,9%. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm và ảnh hưởng bởi sự kiện Biển Đông. Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra 7 nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, xã hội khác. 

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP lưu ý, tình hình đấu tranh với các loại tội phạm vẫn phức tạp, đặc biệt là tội phạm kinh tế, tội phạm công nghệ cao. Nguy cơ lộ lọt thông tin, hacker nước ngoài tấn công các website của các cơ quan Nhà nước gia tăng. CATP đã và đang áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm để đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. 

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT cũng đề nghị, trong 6 tháng cuối năm, ngoài việc cấp vốn cho các công trình trọng điểm cần bố trí cho các công trình dân sinh bức xúc vì một số chương trình đang triển khai nhưng do thiếu vốn đã phải dừng lại. 

Theo bà Nguyễn Thị Mai Sương- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, các sở ngành, các quận, huyện cần rà soát thống kê các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để ngân hàng xem xét lại và cho vay nếu doanh nghiệp đủ điều kiện. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội đề nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị tham gia chống đầu cơ, ổn định thị trường tiền tệ và thị trường vàng; có hướng dẫn giải quyết khó khăn cho các giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng do việc đổi chứng minh thư từ 9 số sang 12 số. 

Trước đề xuất của các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh các sở, ngành cần nhận định, dự báo tình hình chi tiết để có giải pháp thực hiện; nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn xã hội vào đầu tư công; đẩy mạnh tiết kiệm, tiết giảm chi tiêu… thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế xã hội đã đề ra.

7 nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gồm: Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố; Tiếp tục hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn; Thực hiện tốt các chính sách tài khóa; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản trên địa bàn; Tích cực, sâu sát trong công tác thông tin tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước và cuối cùng là đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.