Kinh tế đứng trước nhiều thách thức

ANTĐ - Kết thúc tháng đầu tiên của năm mới 2013, sản xuất công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng của một số ngành. Tuy nhiên, sức mua yếu, tồn kho hàng hóa chưa giải quyết  được và lạm phát vẫn đáng lo ngại. 

Sản xuất công nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn trong năm 2013 nếu sức mua giảm

Sản xuất công nghiệp gặp khó khăn

Cơ quan thống kê cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1-2013 ước tính tăng cao, ở mức 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nếu so với tháng 12-2012 thì chỉ số này giảm 3,2% và giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp I. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3%; sản xuất và phân phối điện giảm 1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%. Nếu như tháng 1-2012 là thời điểm Tết Nguyên đán, số ngày nghỉ nhiều nên chỉ số sản xuất công nghiệp không tăng cao thì tháng 1-2013 lại là tháng áp Tết, nhưng sản xuất công nghiệp cũng không tăng. 

Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-1-2013 tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,6%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; sản xuất dây, cáp điện tăng 34,1%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 20,7%; sản xuất bia tăng 19,5%; sản xuất thuốc lá tăng 19,1%... Xét về giá trị, tỷ lệ hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-1-2013 so với giá trị hàng được sản xuất trong năm 2012 là 6,9%. “Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp cho dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp” - một chuyên gia kinh tế phân tích. 

Liên quan tới lạm phát, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo “Rủi ro kinh tế vĩ mô và tầm nhìn chính sách 2013” ngày 30-1-2013 cho rằng, lạm phát năm 2012 giảm mạnh còn 6,81% (từ 12% năm 2010 và 18% năm 2011) song chủ yếu do sức mua yếu và tổng cầu của nền kinh tế thấp, chứ không phải lạm phát được kiềm chế một cách căn bản. Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia kinh tế khác cho hay, từ đồ thị CPI và chỉ số giá nhập khẩu, có thể thấy nhập siêu giảm là nguyên nhân CPI giảm.

Kinh tế 2013 không có nhiều đột biến

Căn cứ vào kết quả đạt được năm 2012 cũng như phân tích nguyên nhân, thực trạng nền kinh tế, nhiều chuyên gia cho rằng, triển vọng kinh tế của năm 2013 không có nhiều đột biến so với năm 2012, mặc dù có thể có những dấu hiệu cải thiện vào nửa sau của năm. Theo đó, tăng trưởng cả năm 2013 đạt cao hơn năm 2012 không đáng kể, vào khoảng 5,2-5,3%. Tuy nhiên, lạm phát cao có thể quay trở lại. Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin kinh tế và chính sách dự báo, lạm phát năm 2013 hướng về mức 10%, rất khó để giữ ở khoảng 6% như mục tiêu đề ra. Lạm phát năm nay còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực - thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng trễ của chính sách nới lỏng kinh tế trong năm 2012. Bên cạnh đó, tăng giá điện cuối tháng 12-2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013 chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013. 

Cùng chung nhận định trên, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, nền kinh tế năm 2013 chưa thấy “sáng” lắm bởi những vấn đề khó khăn vẫn chưa giải quyết được như: Phá sản doanh nghiệp, đình trệ sản xuất, những doanh nghiệp khó chưa cứu được, làm sao để kích cầu… 

Để đạt được mục tiêu lạm phát 6%, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài việc tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các chính sách khác như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công… nhằm kiểm soát lạm phát vững chắc trong năm 2013. Vì thế, các biện pháp hành chính vẫn sẽ chiếm ưu thế so với các biện pháp mang tính thị trường. Ngoài ra, cần “cứu” doanh nghiệp bằng cách nỗ lực giảm lãi suất cho vay, cung ứng tín dụng ổn định, tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm. Về lâu dài, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.