Kinh tế dễ tổn thương

ANTĐ - Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013 mới được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, đã đánh giá kinh tế Việt Nam “ổn định hơn đôi chút” so với thời điểm tính toán số liệu, xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Dẫu vậy, báo cáo nhận định những thách thức đang ngày một lớn ở phía trước, trên chặng đường phát triển. 

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 75/144 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, thấp hơn 10 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái. Một trong những chỉ số được WEF quan tâm là sự thiếu ổn định của nền kinh tế vĩ mô, khi chỉ số này hạ tới 41 bậc. Trước đó, trong Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, cơ quan này cảnh báo Chính phủ Việt Nam nên có những bước đi thận trọng, tránh điều chỉnh nới lỏng tiền tệ quá sớm, bởi những thành quả ổn định vĩ mô mới chỉ là bước khởi đầu và còn khá mong manh. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới đặc biệt lưu ý, hiệu quả yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công, chính là nguyên nhân tác động tiêu cực đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Hiệu quả yếu kém kéo dài như vậy mà nhà nước tiếp tục hỗ trợ, “tiếp sức” thì vô hình trung lại “nuôi dưỡng” mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, đi ngược lại với tiêu chí tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả năng xuất và năng lực cạnh tranh.

Cùng quan điểm này, Trưởng đoàn Tham vấn Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng nhấn mạnh, mặc dù nguy cơ tổn thương của nền kinh tế đã giảm so với năm trước, nhưng Chính phủ không nên nới lỏng chính sách hiện nay, trong bối cảnh lạm phát vẫn tương đối cao và tiềm năng rủi ro về giá cả thế giới vẫn đe dọa nền kinh tế Việt Nam vốn “sống dựa” quá nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào và xuất khẩu hàng hóa nông, hải sản, dệt may, giày da, điện tử… Theo báo cáo, 8 tháng qua, thách thức ngày càng bộc lộ rõ. Chẳng hạn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã bắt đầu thấp hơn so với tháng trước; lạm phát tăng trở lại sau hai tháng ở mức âm, trong đó những yếu tố khiến lạm phát cao trở lại đều rất đáng lo ngại khi nó gây tác động trực tiếp đến đời sống người dân như giá xăng dầu, điện, gas, thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế… Ủy viên Thưởng trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, theo dự kiến của Chính phủ GDP năm nay chỉ tăng trưởng 5,2%. Trong kỳ họp lần thứ 4 tới, Quốc hội sẽ có những đánh giá cụ thể về nền kinh tế năm nay.

Nền kinh tế năm 2012 đã có đà phát triển với sự điều hành đúng hướng, chuyển biến 8 tháng qua. Tại kỳ họp thứ 3, khi thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đều góp ý rằng, nếu không nhìn thẳng vào sự thật để điều hành thì nền kinh tế khó có thể “sáng sủa” hơn. Các tổ chức quốc tế thì khuyến nghị, Chính phủ cần xây dựng những khoảng “đệm an toàn” đề phòng rủi ro với nền kinh tế dễ tổn thương.