Kinh phí làm đường Việt Nam đắt nhất thế giới?

ANTĐ - Phần chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chiều 18-11 được đông đảo cử tri mong đợi, bởi ngành giao thông tuy đã cải thiện rất nhiều trong thời gian qua song vẫn còn không ít vấn đề đáng để “mổ xẻ”. 

Kinh phí làm đường Việt Nam đắt nhất thế giới? ảnh 1Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Từ khi có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khách đi tàu đã giảm một nửa”

Không lo phí đường cao

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu vấn đề: “Nếu đối tác nước ngoài trúng thầu quyền khai thác các công trình giao thông, rồi chiếm dụng thời gian khai thác dài, thu phí cao thì sao?”. ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) chất vấn: “Việc thu phí trên những tuyến quốc lộ đầu tư theo phương thức BOT có quá cao? Khoảng cách giữa các trạm thu phí có hợp lý?”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đó là xu hướng bắt buộc nếu muốn tạo ra đột phá hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn đầu tư bị hạn chế. Trong gần 3 năm qua, Bộ GTVT đã huy động nhiều nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như từ việc chuyển giao quyền khai thác, thu phí các tuyến đường nói trên được gần 160.000 tỷ đồng, bằng 60% tổng vốn đầu tư cả ngân sách lẫn ODA cho ngành giao thông. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thúc đẩy việc chuyển giao để lấy tiền đầu tư xây dựng các tuyến giao thông khác.

Trước lo lắng của ĐB về việc thu phí trên tuyến quốc lộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Mức thu phí các tuyến đường BOT phải theo quy định của pháp luật, tùy theo từng điều kiện của mỗi tuyến đường mà cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chứ không phải muốn thu bao nhiêu cũng được”. Dẫn chứng bằng mức phí đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, lúc đầu, nhiều người phàn nàn mức phí quá cao. Song để xác định mức phí là cao hay thấp phải tính tới nhiều yếu tố như thời gian di chuyển giảm xuống còn một nửa, chi phí vận hành, bảo trì phương tiện vận tải giảm 30%, độ an toàn cao hơn... “Trước khi có cao tốc, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai mua vé rất khó vì quá đông nhưng từ khi có tuyến cao tốc này, khách đi tàu giảm một nửa” - Bộ trưởng so sánh.

Giá vé máy bay của ta thấp hơn Thái Lan

“Đâu là giải pháp đồng bộ để giá cước vận tải nói chung, giá cước hàng không nói riêng ở mức hợp lý, cạnh tranh hơn, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị đầu tư sân bay Long Thành?” - ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu câu hỏi. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngành giao thông đang tiến hành tái cơ cấu tổng thể, trong đó có tái cơ cấu cước vận tải với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Đồng thời, nâng cao chất lượng và thái độ phục vụ.

Bộ trưởng chia sẻ: “Dù đang trong quá trình tái cơ cấu song cước đường sắt không tăng. Dự kiến, dịp Tết này, giá vé tàu hỏa sẽ giảm 11-17%. Tương tự, trong ngành hàng không, từ 2011 đến nay, dù giá xăng dầu tăng song cước vận tải của Vietnam Airlineskhông tăng. Giá vé máy bay nội địa của Việt Nam thấp hơn Thái Lan”.

Lo ngại thất thoát khi xây dựng hạ tầng giao thông

Về vấn đề tham nhũng, lãng phí trong ngành GTVT, nhất là thất thoát trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) chất vấn: “Có ý kiến nói thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình giao thông phổ biến ở mức 30-50%, thậm chí trên 50%, đây là nguyên nhân khiến các tuyến đường nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bộ trưởng có ý kiến gì?”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi tiếp: “Suất đầu tư 1km đường của nước ta hiện quá cao, thậm chí có ý kiến một số tuyến đường đắt giá nhất hành tinh, Bộ trưởng có đồng tình?”. Bộ trưởng cho biết, đa số các dự án, công trình giao thông được khởi công từ 2012 đến nay đều đảm bảo vượt tiến độ, chất lượng, song cũng còn một số khi đưa vào sử dụng bị hư hỏng, xuống cấp. “Tôi cũng nghe thông tin nói suất đầu tư 1km đường của Việt Nam cao nhất thế giới. Qua kiểm tra đánh giá, tôi xin chia sẻ thông tin suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam ở mức tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với Nhật Bản…” - Bộ trưởng nói. Không đồng tình, ĐB Ngô Văn Minh tái chất vấn: “Tôi muốn Bộ trưởng nói rõ định suất xây 1 km đường của Việt Nam có cao hay không, chứ không phải giải thích tính đặc thù của từng tuyến đường...”.

Yên tâm với đường sắt trên cao

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) băn khoăn: “Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lơ lửng trên không nên người dân không khỏi lo lắng, nhất là vừa qua đã xảy ra sự cố gây chết người. Nếu đưa vào khai thác, Bộ trưởng có dám đảm bảo tàu điện chạy tuyệt đối an toàn không, nhỡ tàu điện rơi xuống đất sẽ là thảm họa”. 

Bộ trưởng Đinh La Thăng đáp: “Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông áp dụng công nghệ mới nhất, sử dụng tàu điện mới nhất. Khi công trình hoàn thành, phải tổ chức nghiệm thu theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng thiết kế, an toàn cho người dân. Việc khai thác cũng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn là số 1, sau mới đến hiệu quả”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói vui: “Bộ trưởng đã nói vậy, ĐB Đương có thể yên tâm đi lại trên tuyến đường này”.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): Mong Bộ trưởng luôn thực hiện đúng cam kết

“Bộ trưởng Đinh La Thăng cơ bản đáp ứng được những điều cử tri mong đợi. Tuy nhiên, liên quan đến quyền chuyển giao các công trình sắp tới thì cử tri băn khoăn là đúng. Rất mong Bộ trưởng ghi nhận xem xét điều chỉnh trong thời gian tới. Cần đề phòng nảy sinh vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Mong Bộ GTVT thận trọng hơn trong việc ký kết với các nhà thầu nước ngoài. 

Về nội dung liên quan đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội), tôi mong Bộ trưởng tiếp tục chỉ đạo thực hiện đúng cam kết, vì chậm ngày nào người dân vất vả ngày đó”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng): Bộ trưởng nắm chắc vấn đề

“Chúng tôi đánh giá rất cao Bộ trưởng Bộ GTVT. Sẵn sàng lăn lộn với thực tế, luôn có mặt ở những điểm “nóng”, nên Bộ trưởng nắm rất chắc các vấn đề. Bộ trưởng đã trả lời cụ thể tất cả các câu hỏi, cũng như nói rõ thời gian hoàn thành các công trình. Bộ trưởng cũng đã giải thích rõ việc chuyển nhượng quyền thu phí các tuyến cao tốc cho các đơn vị nước ngoài, không làm phát sinh chi phí, vẫn đảm bảo giá thành, thời gian thực hiện. Nhờ đó, chúng ta có thêm nguồn vốn để làm những con đường khác, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Bộ trưởng cũng đã làm rõ những chương trình phát triển giao thông miền núi với số liệu cụ thể, cam kết tình trạng người dân phải qua suối bằng đu dây, túi nilon sẽ sớm được khắc phục. Đó là những tín hiệu rất tích cực”.