Kinh nghiệm và bản lĩnh

ANTĐ - Diễn biến của thị trường, giá cả trong tháng 1 và quý I-2012 sẽ như thế nào? Giới chuyên gia dự báo lạm phát vẫn có khả năng tăng trở lại, trong khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá căng thẳng vào giai đoạn Tết Nguyên đán khiến lãi suất chưa thể giảm ngay. Thời tiết rét đậm, rét hại ở phía Bắc và Trung bộ, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dịp tết cộng với việc điều chỉnh tăng giá điện, nước sẽ đẩy chỉ số giá cả ở hầu hết các nhóm hàng tăng mạnh, nhất là lương thực, thực phẩm, đồ uống, điện - nước và dịch vụ. Như vậy, lạm phát trong 2 tháng đầu năm có thể tăng xoay quanh mức 2,5 - 3%.

Tại cuộc hội thảo “Diễn đàn kinh tế Việt Nam: Dự báo kinh tế 2012 - 2015” vừa diễn ra, các tham luận đã phác thảo triển vọng kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục khó khăn, tăng trưởng chưa thể vượt đáy và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Trong nước, lạm phát có dấu hiệu “hạ nhiệt”, nhưng giá cả vẫn chưa “xuống thang”; mặt bằng lãi suất chưa thể giảm chí ít là trong quý I này.

Thị trường tài chính, tín dụng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, tăng trưởng thương mại thế giới năm 2012 được dự báo ì ạch như mức của năm 2011, đồng thời xu thế bảo hộ thương mại gia tăng cộng với khủng hoảng nợ công ở châu Âu như vết dầu loang lan rộng, chắc chắn sẽ tác động xấu tới việc đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển sẽ không thể “hào phóng” như những năm trước đây.

Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ mặc dù Nhật Bản và EU vẫn ưu tiên tài trợ ODA cho nước ta. Muốn dự báo kinh tế quý I cũng như cả năm 2012 phải xem xét chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định nhiều lần là vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, có nghĩa là nguồn vốn cho sản xuất sẽ tiếp tục gay gắt, mặc dù lãi suất được dự báo sẽ có khả năng giảm nhưng giảm chậm và không nhiều như mong đợi. Điều này tất yếu sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn của giới doanh nghiệp. Một số chuyên gia thận trọng nhận định, lạm phát năm nay có thể giảm, thế nhưng giá cả đã bị đẩy lên một mặt bằng cao hơn do hệ lụy lạm phát năm 2011, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện nước rục rịch đợt tăng giá mới sau khi bị “kìm nén”… cùng với mức lương tối thiểu được điều chỉnh, chắc chắn sẽ tăng sức ép khó khăn cho doanh nghiệp.

Kịch bản kinh tế năm 2012 hoàn toàn tùy thuộc vào diễn biến kinh tế thế giới và khả năng ứng phó, chèo lái “con tàu” kinh tế. Nhóm nghiên cứu Ban Phân tích và dự báo kinh tế đã “phác họa” hai kịch bản tăng trưởng năm 2012. Một là tăng trưởng ở mức cao và là kịch bản chủ đạo với nhiều khả năng xảy ra hơn. Giả thiết cho kịch bản này được đặt ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần hồi phục, trong nước vẫn thắt chặt tiền tệ. Kịch bản thứ hai cũng có nhiều khả năng diễn ra nếu kinh tế thế giới tiếp tục u ám, thì chính sách tiền tệ trong nước sẽ buộc phải thít chặt hơn nữa để ngăn chặn lạm phát tái phát.

Cả hai kịch bản được đặt ra có thể coi là sự lựa chọn cho cả hai tình huống hoàn toàn có thể xảy ra. Chặng đường phát triển kinh tế năm 2012 cũng như những năm tiếp theo không giống như con đường cao tốc đã có sẵn những biển báo chỉ dẫn. Chỉ có kinh nghiệm và bản lĩnh của người cầm lái mới có thể vượt qua trở ngại và thách thức để đến đích an toàn.