Kinh nghiệm của Paris khi làm sống lại không gian dưới vòm cầu cạn

ANTD.VN -  Ý tưởng đục thông vòm cầu cạn Phùng Hưng, tạo dựng một không gian văn hóa mới cho Hà Nội vừa được đưa ra đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của dư luận. 

Quán cà phê, nhà hàng trải dài theo những vòm cầu ở đại lộ Daumesnil (Paris, Pháp) có thể là một gợi ý cho cầu đường sắt ở phố Phùng Hưng, Hà Nội

Để làm rõ hơn về những băn khoăn trong quá trình triển khai cùng những bài học mà một số nước trên thế giới đã từng thực hiện thành công, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng Tiến sĩ, Kiến trúc sư d.p.l.g Nguyễn Việt Huy - đại diện Công ty Kiến trúc Dubosc và cộng sự - công ty đề xuất phương án thiết kế ý tưởng kiến trúc cho dự án. 

PV: Thưa ông, dưới góc nhìn của một kiến trúc sư từng trực tiếp nghiên cứu về cầu cạn đường sắt Phùng Hưng, ông có thể cho biết vị trí của cầu cạn này đã được người Pháp chủ đích thiết kế thế nào để nối kết giữa 2 không gian phố cổ và phố mới của Hà Nội?

Tiến sỹ, Kiến trúc sư d.p.l.g Nguyễn Việt Huy: Các vòm cầu có vai trò như một hệ kết cấu chính đỡ cho những tuyến đường sắt đô thị, thường được xây dựng vào những thời kỳ mà kỹ thuật xây dựng cũng như khoa học công nghệ về các tuyến tàu cao tốc hay tàu đường sắt chưa thực sự phát triển. Nó thường tồn tại ở các nước phát triển khoảng 300-400 năm trước thậm chí là lâu hơn nữa, hoặc ở các nước thuộc địa khoảng 100-120 năm trước.

Chính vì sự hạn chế về kỹ thuật đó vô hình trung đã tạo ra những không gian không hợp lý hoặc tạo ra những bức tường chia cắt đối với không gian đô thị. Để hạn chế vấn đề đó, đặc biệt không tạo ra sự chia cắt các tuyến phố, thường các vòm cầu được để rỗng, nhằm đảm bảo kết cấu vòm đỡ nhưng vẫn tạo ra sự kết nối giữa không gian như ở đô thị Hà Nội là một điển hình.

Tuy nhiên, không chỉ ở Hà Nội, mà ngay cả Paris, có những giai đoạn người ta không biết sử dụng những không gian bên dưới các vòm cầu này vào việc gì, thậm chí là phải bịt lại nhằm giảm thiểu các tệ nạn xã hội vào những thời điểm nhất định. Tới khi việc đô thị hóa bùng nổ ở khắp nơi trên thế giới, dân số đô thị gia tăng không ngừng thì các không gian trong đô thị, đặc biệt là các đô thị cổ càng ngày càng chật chội. Vì lý do đó mà chính quyền các thành phố không thể thờ ơ với những không gian bị lãng quên - không gian các vòm cầu.

Quán cà phê, nhà hàng trải dài theo những vòm cầu ở đại lộ Daumesnil - Paris

Tại Paris, những giải pháp kỹ thuật nào đã được áp dụng nhằm làm sống lại những vòm cầu?

Như tôi đã nói ở trên, các tuyến đường sắt vẫn phải tồn tại, một mặt vì nó còn hoạt động rất hiệu quả, mặt khác nó là nhân chứng của cả một chiều dài lịch sử, là những di sản của đô thị. Vì thế mà các vòm đỡ những tuyến đường sắt đó vẫn phải tồn tại, nhưng những không gian bên dưới thì không thể để lãng phí, không thể để chết. Vì thế mà các dự án làm sống lại các không gian vòm cầu ở đô thị Paris được ra đời.

GS.KTS d.p.l.g Eric Dubosc cùng các cộng sự của ông là những người vinh dự được nhận những trọng trách đó. Họ phải đưa ra những giải pháp kỹ thuật không chỉ đơn thuần là ổn định kết cấu đỡ tuyến đường sắt mà còn khó hơn thế rất nhiều lần khi tạo ra những phòng hòa nhạc bên dưới vòm cầu với điều kiện tàu vẫn chạy bên trên.

Điển hình có thể kể đến các vòm cầu ở Issy Les Moulineaux với tổ hợp các công trình văn hóa nghệ thuật cho cộng đồng khi cải tạo lại những không gian vòm cầu ở đây. Hay các xưởng nghệ thuật, các quán cà phê, nhà hàng, thương mại trải dài theo những vòm cầu ở đại lộ Daumesnil - Paris.

Ông hình dung thế nào về ý tưởng đập thông vòm cầu Phùng Hưng - Hà Nội và việc mở ra cho nơi này một không gian văn hóa, du lịch và thương mại?

Việc làm sống lại các không gian bên dưới những vòm cầu ở Hà Nội sẽ góp phần không nhỏ vào việc cải tạo chỉnh trang lại đô thị khu phố cổ Hà Nội, trả lại cuộc sống cho những di sản đô thị là phương pháp bảo tồn tốt nhất mà các nhà khoa học đã chứng minh.

Hơn nữa nó sẽ tạo ra các không gian rất ý nghĩa cho cộng đồng, thậm chí là các không gian “khởi nghiệp” đầy thú vị. Hơn thế nữa đây sẽ là tuyến phố vệ tinh cho khu vực Đồng Xuân và phụ cận, tạo ra sự đa dạng trong mạng lưới không gian đi bộ của Hà Nội, góp phần làm tăng sự phong phú cho khách du lịch khi khám phá đô thị cổ Hà Nội.

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận là các giải pháp kỹ thuật cùng lo ngại về kết cấu công trình đã tồn tại hơn 100 năm qua. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Dưới con mắt chuyên môn, chúng tôi có thể khẳng định, đây là dự án đã được ấp ủ và nghiên cứu gần 7 năm bởi những nhà chuyên môn sâu, đã có kinh nghiệm thực tế và cụ thể về thể loại công trình này, như những ví dụ đã được nêu ở trên. Các giải pháp kỹ thuật về nghiên cứu khả thi cũng đã được tính toán.

Hơn nữa, các chuyên gia của Cộng hòa Pháp đã có một bộ tiêu chuẩn FABME về việc cải tạo cũng như nâng cấp các vòm cầu khối xây như những vòm cầu của Hà Nội chúng ta, càng khẳng định tính khả thi cho dự án này một lần nữa.