Kinh hoàng bác sĩ dùng bơm xe đạp trong phẫu thuật triệt sản

ANTĐ - Mấy ngày nay, dư luận Ấn Độ rất phẫn nộ sau khi sự việc một bác sĩ phẫu thuật đã sử dụng bơm xe đạp để bơm hơi vào bụng bệnh nhân nữ trong quá trình tiến hành phẫu thuật triệt sản bị phanh phui. 

Kinh hoàng bác sĩ dùng bơm xe đạp trong phẫu thuật triệt sản ảnh 1Nhân viên y tế dùng bơm để bơm bụng bệnh nhân trong phẫu thuật triệt sản


Ngày 5-12, các quan chức y tế tại bang Orissa đã tức tốc tiến hành một cuộc điều tra, sau khi có thông tin cho biết rằng, bơm xe đạp đã được sử dụng trong quá trình phẫu thuật triệt sản cho hơn 56 bệnh nhân nữ tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng của chính phủ, tại ngôi làng Banarpal, huyện Angul, Orissa.

Theo Bộ trưởng Y tế tại bang Orissa, Arti Ahuja cho biết, bác sĩ tiến hành các cuộc phẫu thuật với bơm xe đạp được xác định là Tiến sĩ Mahesh Chandra Rout, một bác sĩ phẫu thuật đã về hưu, nhưng thường được mời về làm việc cho các bệnh viện khi cần thiết. Hiện, ông Chandra Rout sẽ không được gọi tới làm việc cho các bệnh viện nữa và có thể sẽ phải đối mặt với tù tội sau khi có kết quả của cuộc điều tra.

Bà Ahuja cho hay, các thiết bị y tế cần thiết sử dụng trong quá trình phẫu thuật triệt sản bao gồm một ống bơm khí carbon dioxide, đã được cung cấp cho các bệnh viên. Các nhà điều tra sẽ cố gắng để xác định lí do tại sao nó không được sử dụng, thay vào đó lại là bơm xe đạp.

Theo quan chức y tế trong khu vực, Sachin Ramachandra, tiết lộ rằng, do các ống bơm khí đã đột nhiên mất tích, nên bơm xe đạp đã được sử dụng để thay thế. Một quan chức giấu tên khác trao đổi với CNN rằng, việc sử dụng bơm xe đạp trong phẫu thuật triệt sản là rất phổ biến và không có gì đặc biệt.

Kinh hoàng bác sĩ dùng bơm xe đạp trong phẫu thuật triệt sản ảnh 2Các bệnh nhân nữ có thể chết bất cứ lúc nào trong quá trình triệt sản


Ngay khi sự việc được đưa ra ánh sáng, các quan chức y tế nhà nước đã ra chỉ thị, tất cả các cuộc phẫu thuật triệt sản phải được thực hiện theo đúng quy trình và đúng dụng cụ để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân.

Theo tiến sĩ Naresh Trehan, Giám đốc Viện Y học Medanta ở New Delhi cho biết, trong phẫu thuật triệt sản, bụng của bệnh nhân cần phải được bơm căng để hỗ trợ việc di chuyển các dụng cụ phẫu thuật trong bụng. Vì vậy việc sử dụng ống bơm khí carbon dioxide là rất cần thiết. Nó sẽ cho phép các bác sĩ đo lượng và hiệu chỉnh áp lực trên bụng môt cách chính xác.

Việc sử dụng bơm xe đạp để thay thế cho ống bơm khí carbon dioxide là một phương pháp nguy hiểm và đáng báo động. Bởi vì nó có thể khiến cho bệnh nhân bị vỡ bụng do không thể điều chỉnh được lượng khí trong bụng.

Tiến sĩ Vidhyadhar Sahu, Giám đốc trung tâm y tế Angul, cho biết, không ai trong số 56 phụ nữ đã trải  qua phẫu thuật triệt sản hôm 5-12 gặp bất kỳ vấn đề gì cả.

Mặc dù vậy nếu bơm xe đạp tiếp tục được sử dụng trong các cuộc phẫu thuật, những cái chết gần như không thể tránh khỏi.

Trong nhiều thập kỷ qua, để kiềm chế sự tăng trưởng dân số, chính phủ Ấn Độ đã chạy một chương trình phẫu thuật triệt sản ở phụ nữ tại những khu vực nghèo và khu vực nông thôn. Tại đây, phụ nữ sẽ được trả tiền để tiến hành triệt sản, các bác sĩ cũng sẽ được hưởng lợi khi thực hiện phẫu thuật.

Thế nhưng, điều kiện tại các phòng khám di động, nơi tiến hành các cuộc phầu thuật triệt sản rất tồi tệ và mất vệ sinh.

Tháng trước, một bác sĩ phẫu thuật, Tiến sĩ RK Gupta đã bị bắt về tội sơ suất và “vô ý” giết chết hàng chục phụ nữ, sau khi tiến hành phẫu thuật triệt sản tại một phòng khám di động trong bang Chhattisgarh, một trong những bang nghèo nhất của Ấn Độ, giáp biên giới Orissa.

Theo quy định của chính phủ, một bác sĩ không được tiến hành quá 30 các phẫu thuật triệt sản một ngày. Trong khi đó ông Gupta đã tiến hành phẫu thuật cho hơn 83 phụ nữ trong khoảng 6 giờ, khiến cho 12 người đã chết.

Kerry McBroom, một người hoạt động về vấn đề nhân quyền tại New Delhi trao đổi với CNN rằng, những người phụ nữ tham gia phẫu thuật triệt sản không thể tránh khỏi cái chết bởi vì các điều kiện vệ sinh không an toàn và sự vô đạo đức của các bác sĩ phẫu thuật.

Cô McBroom nói: “Bạn có thể thấy rằng tại các cơ sở y tế không có điện, không có nước sinh hoạt, không có đủ nhân viên để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân”.