Yêu cầu dừng cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa đối với Công ty cổ phần MISA

ANTD.VN - Công ty CP MISA được yêu cầu dừng cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng (MISA-CA) theo mô hình ký số từ xa cho đến khi hệ thống kỹ thuật của doanh nghiệp đáp ứng các quy định.

Siết chặt quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ chữ ký số

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ TT-TT) vừa có công văn số 216/NEAC-TĐPC ngày 21-5-2020 gửi CTCP MISA về xử lý hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình chữ ký số từ xa (dịch vụ eSign ký số trên di động và ký số từ xa của doanh nghiệp này).

Từ khi được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng (MISA-CA), CTCP Misa đã cung cấp 2.583 chứng thư số theo mô hình chữ ký số từ xa.

Tuy nhiên, dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-9-2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, nên để bảo đảm việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa đúng quy định và an toàn, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đề nghị CTCP Misa dừng cung cấp dịch vụ MISA-CA theo mô hình ký số từ xa cho đến khi hệ thống kỹ thuật của doanh nghiệp đáp ứng các quy định (theo Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT của Bộ TT-TT).

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia cũng yêu cầu MISA phải có phương án xử lý tất cả chứng thư số đã cấp cho thuê bao theo mô hình ký số từ xa; có phương án bảo đảm quyền lợi khách hàng.

Trước đó, ngày 13-5-2020, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC) cũng đã ra Quyết định khai trừ Công ty Cổ phần MISA ra khỏi CLB này.

Nguyên nhân của việc này là do MISA không tuân thủ Quy chế của CLB, thực hiện một số việc lảm ảnh hưởng đến uy tín của CLB và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường Chữ ký số ở Việt Nam, mà cụ thể là chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ TT-TT.

Được biết, hiện dịch vụ chữ ký số của MISA đã cung cấp cho các doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch tài chính quan trọng như: khai thuế, nộp thuế….. Để sử dụng dịch vụ eSign của MISA, chỉ cần dùng tài khoản và mã PIN cố định là có thể ký số trên bất kỳ điện thoại, máy tính nào, do đó có rủi ro về an toàn, bảo mật.

Liên quan đến nội dung nêu trên, ngày 26-5, đại diện Công ty CP MISA cho biết, ngày 7-5-2020, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) ban hành công văn số 190/NEAC-TĐPC về việc hướng dẫn triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.

Ngay sau đó, ngày 12-5-2020, MISA đã hoàn tất việc nộp hồ sơ kỹ thuật theo hướng dẫn. Hiện nay, MISA đang làm việc với NEAC để đề xuất nhanh chóng thẩm định hồ sơ nhằm đáp ứng mọi yêu cầu theo quy định.

“Về công văn số 216/NEAC-TĐPC ngày 21-5-2020 của NEAC yêu cầu MISA dừng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số từ xa, MISA cam kết sẽ hoàn thiện giải pháp MISA ESIGN nhanh chóng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định”- Công ty CP MISA cho biết.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, hoạt động chữ ký số của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều bất cập như: Không lưu trữ đầy đủ thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân xin cấp chứng thư số. Rất nhiều doanh nghiệp hiện cung cấp dịch vụ CA có tình trạng này; Công bố chứng thư số đã cấp cho thuê bao trên cơ sở dữ liệu về chứng thư số của mình khi chưa có xác nhận của thuê bao về tính chính xác của thông tin trên chứng thư số…

Đặc biệt, nhiều đơn vị có tỷ lệ lưu trữ hồ sơ so với lượng chứng thư số cấp phát thấp.

Sắp tới, Bộ TT-TT sẽ chấn chỉnh các hiện tượng sai phạm về dịch vụ chữ ký số,  tổ chức thanh tra đột xuất các trường hợp vi phạm, đồng thời, tăng chế tài xử lý với các vi phạm.