Yên tâm vì mua nhà có bảo lãnh

ANTĐ - Theo quy định, các doanh nghiệp bán nhà ở hình thành trong tương lai phải mua bảo lãnh ngân hàng. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng để đảm bảo quyền lợi cốt lõi của khách hàng, đồng thời giúp lành mạnh hóa thị trường, thanh lọc những dự án, chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính.

Yên tâm vì mua nhà có bảo lãnh ảnh 1

Bảo lãnh ngân hàng được xem như một loại “bảo hiểm” tài chính cho người mua nhà

Dự án không hoàn thành, ngân hàng hoàn lại tiền

Theo các chuyên gia bất động sản, trên thực tế đang có hàng trăm dự án bất động sản rao bán, nhưng số dự án đủ điều kiện bán hàng là rất ít. Nhiều dự án dùng các chiêu lách luật để bán hàng, chính vì vậy, khách hàng cần đặc biệt cẩn trọng khi tìm hiểu và lựa chọn mua nhà. 

Cách đây vài năm, ông Đinh Quang Khải (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đóng 500 triệu đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng mua nhà) cho chủ đầu tư của một dự án ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Hết thời hạn bàn giao, ông Khánh mất trắng số tiền trên, vì nhà vẫn chưa hình thành, còn chủ đầu tư thì “lặn mất tăm”. 

Sau khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực, ông Đinh Quang Khải quyết định chỉ mua nhà chung cư theo hình thức góp vốn nếu dự án đó có bảo lãnh ngân hàng. Vì vậy, khi biết dự án Mon City ở Mỹ Đình do Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Hải Đăng làm chủ đầu tư được Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HD Bank) đứng ra bảo lãnh, ông Đinh Quang Khải đã yên tâm chọn mua một căn hộ tại đây. “Nhận được chứng thư bảo lãnh, tôi thấy số tiền mình đã nộp vào dự án được đảm bảo, tin tưởng không bị mất tiền”, ông Đinh Quang Khải chia sẻ.

Từ 1-7-2015, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê nhà hình thành trong tương lai phải được phép của Sở Xây dựng và đáp ứng yêu cầu được ngân hàng bảo lãnh. Quy định này được đề ra nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, ràng buộc việc giao nhà cho khách hàng của chủ đầu tư phải theo đúng cam kết. Ngoài ra, khách hàng đã ứng tiền trước cho chủ đầu tư có thể yên tâm, nếu không hoàn thành dự án như cam kết thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn lại tiền cho khách mua nhà.

Vẫn còn những khó khăn

Liên quan tới thủ tục bảo lãnh, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM (HD Bank) Chi nhánh Hà Nội cho biết, dự án được ngân hàng chấp thuận bảo lãnh sau khi đã xem xét, thẩm định kỹ lưỡng về vị trí, tính khả thi của dự án, năng lực của chủ đầu tư… Các thủ tục bảo lãnh không quá phức tạp vì đã được hướng dẫn trong luật và các văn bản dưới luật. 

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu các chủ đầu tư đều nỗ lực để có được bảo lãnh của ngân hàng thì chính chủ đầu tư cũng rất có lợi, vì dự án đã được ngân hàng thẩm định kỹ, chấp nhận bảo lãnh nên ngân hàng sẽ có trách nhiệm hỗ trợ cho đến khi dự án hoàn thành để tránh rủi ro. Đây là một “bộ lọc” cho thị trường bất động sản bên cạnh việc thẩm định, đánh giá, cấp phép của chính quyền địa phương.

Mặc dù có ý nghĩa rất thiết thực, tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều chủ đầu tư đã phớt lờ quy định của pháp luật, vẫn mở bán rầm rộ khi chưa có bảo lãnh ngân hàng. Thừa nhận vấn đề này, giám đốc một sàn kinh doanh bất động sản lý giải, cái khó là ngân hàng phải chịu trách nhiệm toàn bộ, trong khi chỉ thu được một khoản phí. Chính vì vậy, các ngân hàng cũng không “mặn mà”. 

Để Luật Kinh doanh bất động sản 2014 mới dần đi vào cuộc sống, giúp thị trường bất động sản phát triển ngày càng lành mạnh, bền vững hơn. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ quy định để doanh nghiệp bất động sản thực hiện nghiêm túc.

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố danh sách 26 chủ đầu tư dự án được chấp thuận bán bất động sản hình thành trong tương lai (thông tin chi tiết về các dự án được đăng tải trên Cổng điện tử Sở Xây dựng Hà Nội 
www.soxaydung.hanoi.gov.vn). Đây được xem là động thái giúp thị trường minh bạch, tăng niềm tin và sự an tâm cho người mua nhà.