Xuất siêu đạt mức kỷ lục trong 11 tháng

ANTD.VN - Bộ Công Thương cho biết, với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng đạt 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ tư liên tiếp của Việt Nam.

Năm 2019, xuất siêu có thể đạt kỷ lục mới

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, cán cân thương mại 11 tháng năm 2019 Việt Nam xuất siêu 9,12 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (11 tháng 2018 xuất siêu 7,58 tỷ USD). Đây là mức xuất siêu cao kỷ lục của Việt Nam trong những năm gần đây.

“Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa mức tăng trưởng tăng 7 – 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu”- Bộ Công Thương đánh giá.

Theo kế hoạch năm 2019, kim ngach xuất khẩu của Việt Nam đạt 263 tỷ USD, tăng 7-8% so với năm 2018. Tính đến hết tháng 11 năm nay, ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong dự báo tăng trưởng thương mại công bố mới nhất (ngày 1-10-2019), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã hạ dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu của năm nay xuống còn 1,2% so với mức đưa ra trước đó (vào tháng 4 vừa qua là 2,6%) và yếu hơn rất nhiều mức tăng trưởng ghi nhận năm 2018 là 3%. Dự báo này làm dấy lên lo ngại Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu xuất khẩu do Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn, trong khi những yếu trên lại tác động trực tiếp.

Tuy nhiên, báo cáo thực tế tình hình xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương lại rất khả quan. Cụ thể, quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Hiện Việt Nam có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).

Bên cạnh đó, tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt.

Bộ Công Thương cho hay, thông thường kim ngạch xuất nhập khẩu những tháng cuối năm thường đạt khá cao so với đầu năm do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu như: Lễ Giáng sinh, tết Dương lịch, tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á…

Do đó, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sẽ không có nhiều biến động do ảnh hưởng từ sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu xuất khẩu 263 tỷ USD có thể đạt được.