Xuất ngược phôi thép: Lợi trước, hại sau
(ANTĐ) - Nhiều nghịch lý đang diễn ra trên thị trường thép. Việt Nam vốn thiếu phôi thép trầm trọng, phải phụ thuộc tới 50% nguồn nhập khẩu. Vậy nhưng, một số doanh nghiệp (DN) thép đã “xuất” ngược phôi ra nước ngoài, tranh thủ ăn “chênh lệch” do giá phôi thế giới đã tăng cao kỷ lục so với thời điểm nhập phôi 2 tháng trước. Điều gì sẽ xảy ra với cách kinh doanh này?
Vì lợi nhuận hay vì khó khăn trước mắt?
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng phôi thép tồn kho hiện nay là 540.000 tấn, tính cả lượng phôi đang chuẩn bị về Việt Nam. Thép thành phẩm tồn từ tháng 4 là 195.000 tấn. Như vậy, tổng cộng cả phôi và thép thành phẩm là 735.000 tấn, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Lẽ thường, lượng phôi dồi dào này nên là tín hiệu mừng vì khả năng phục vụ sản xuất ổn định và giá cả sẽ hợp lý. Thế nhưng, đúng lúc này, nhiều yếu tố bất lợi diễn ra trên thị trường.
Giá vật liệu tăng cao, cùng với yêu cầu của Chính phủ về rà soát, đình hoãn khởi công hoặc giãn tiến độ thi công các dự án chưa cần thiết để kiềm chế lạm phát, nhu cầu xây dựng công trình giảm, kéo theo, nhu cầu về thép và phôi thép giảm.
Thị trường bất động sản đang “xì hơi”, khiến cho việc sửa sang, xây mới công trình cũng yên ắng. Riêng trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, sức tiêu thụ thép trên thị trường phía Bắc giảm rõ rệt, tới 28%, còn thị trường phía Nam thì chững lại.
Một sức ép khác là chính sách vay vốn ngân hàng siết chặt hơn, lãi suất cho vay cao. Tất cả những điểm trên đã khiến cho các DN kinh doanh phôi thép đứng ngồi không yên.
Ngoại trừ những DN vừa sản xuất phôi, vừa cán thép như Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, hầu như, các DN chuyên về phôi đều có xu hướng xuất ngược.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ước tính đã có khoảng 60.000 tấn phôi được xuất đi. Công ty Thép Đình Vũ sẽ xuất khẩu khoảng 30.000 tấn phôi sang khu vực Đông Nam á, Công ty Thép Vạn Lợi xuất khoảng 10.000 tấn phôi sang Philippines.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, lý do chính cho việc xuất ngược là mức chênh lệch giữa giá thế giới và giá nhập cũ rất hấp dẫn. Những ngày qua, giá phôi thế giới đã lên tới 950USD - 960USD/tấn, thậm chí, có nơi đã chào giá sát mức kỷ lục 1.000USD/tấn.
Trong khi, giá nhập cũ chỉ là 850-860USD/tấn. 1 tấn phôi chênh ít nhất 100USD, các DN sẽ lãi lớn khi xuất ngược. Nếu lượng xuất là 60.000 tấn thì có thể thấy, các DN có khoảng 6 triệu USD chênh lệch?
Báo động thiếu nguyên liệu sản xuất
Ông Phạm Chí Cường cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời của các DN. Song, về lâu dài, sẽ thiếu nguyên liệu cho ổn định sản xuất trong nước nếu không được kiểm soát tốt.
Thực tế, con số tồn kho 735.000 tấn không hẳn là quá dư thừa. Trung bình mỗi tháng, Việt Nam tiêu thụ khoảng 300.000 tấn phôi và thép, lượng hàng tồn trên chỉ đủ cho 2 tháng tới.
Vì mức giá thế giới quá cao này, các DN sợ lỗ nên không nhập về. Đồng thời, khi sức tiêu thụ đình trệ, những DN sản xuất phôi trong nước như thép Thái Nguyên, thép Miền Nam cũng sẵn sàng tạm ngừng hoặc giảm sản lượng sản xuất phôi. Nguy cơ thiếu phôi để sản xuất thép sẽ diễn ra sau 2 tháng, từ tháng 7 là có thể xảy ra.
Về vấn đề này, theo ông Trương Đức Quang - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Nhà nước phải xử lý bằng cách áp dụng các công cụ điều tiết thị trường, hạn chế dùng biện pháp hành chính.
Vì, theo cơ chế thị trường, các DN chủ động kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, về mặt quản lý kinh tế vĩ mô, nếu kéo dài tình trạng này, thời gian thiếu phôi, lại phải nhập với giá cao thì không khéo chính các DN này sẽ lại lỗ.
Vừa qua, hiện tượng xuất ngược để hưởng lợi chênh lệch đã xuất hiện ở ngành phân bón, với kịch bản tương tự: lúc nhập thì giá thấp, nay giá thế giới cao thì các DN xuất.
Riêng với phân bón, các DN còn được trợ giá thông qua giá khí, giá than, nên giá phân bón ở Việt Nam đã thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Bộ Công thương phải dùng biện pháp mạnh, tạm dừng cấp phép xuất khẩu phân bón đến hết tháng 7.
Để khắc phục tình trạng phụ thuộc giá thế giới, rất nhiều lần, Hiệp hội Thép nhấn mạnh, các DN cần nhập nhiều lúc giá rẻ để ổn định sản xuất.
Thế nhưng, khi có lợi trước mắt thì mục đích ban đầu đó đã không còn. Việc xuất ngược mới manh nha trong ngành thép với số lượng ít.
Được biết, Bộ Công thương đang chuẩn bị phương án xử lý vấn đề này nhưng rất cần một biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Bởi lẽ, hậu quả của việc giá thép tăng cao và khan hiếm thép đã diễn ra nhiều.
Phạm Huyền