Xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình không giảm cước

ANTĐ - Hôm qua, 21-1, xăng dầu tiếp tục giảm giá sâu. Trong khi đó, cước vận tải vẫn nơi giảm, nơi chây ỳ hoặc giảm chiếu lệ. Đã vậy, Hiệp hội vận tải Hà Nội còn kiến nghị trợ giá cho xe tăng cường dịp Tết Nguyên đán. Xung quanh đề xuất này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đã trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình không giảm cước  ảnh 1Xăng giảm giá gần 2000 đồng/lít, còn 15.670 đồng/lít
Ảnh: Ngọc Tuấn


- PV: Hiệp hội vận tải Hà Nội đã vào cuộc như thế nào trong việc đề nghị doanh nghiệp (DN) vận tải giảm giá cước, thưa ông?

- Ông Bùi Danh Liên: Tính đến ngày 15-1 (ngày cuối cùng các DN vận tải phải tính toán, kê khai giảm giá cước theo chỉ đạo của Bộ Tài chính - phóng viên), đã có 7/7 DN vận tải khách thuộc Hiệp hội kê khai giảm giá cước với mức từ 5-20%. Sáng 15-1, tôi đã đi kiểm tra từng DN và thấy việc thực hiện rất nghiêm túc. Với các DN taxi, đến ngày 15-1, đã có khoảng 60% DN thuộc Hiệp hội giảm cước. Những đơn vị khác có giảm nhưng không đáng kể. Vận tải hàng hóa cũng đã giảm cước 5-10%. Chúng tôi vừa động viên DN giảm giá cước phù hợp với biến động giá xăng dầu, vừa răn đe xử phạt.

- Các DN ngoài Hiệp hội chấp hành việc giảm giá như thế nào, thưa ông?

- Trên địa bàn Hà Nội, nhiều DN vẫn còn giảm giá kiểu chiếu lệ, nhỏ giọt thậm chí là lách luật. Sở Tài chính đã phối hợp với một số đơn vị liên quan kiểm tra việc giảm giá cước tại các Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát và Gia Lâm. Kết quả, đã phát hiện và xử phạt một số đơn vị kinh doanh tuyến cố định vi phạm, trong đó một DN đã bị xử phạt 30 triệu đồng.

- Nhiều hãng taxi đang cố tình chây ỳ, giảm giá cước nhỏ giọt, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

- Tôi đề nghị các cơ quan chức năng như Sở  Tài chính, Sở GTVT, nếu kiểm tra phát hiện các DN taxi chưa giảm giá tính đến ngày 15-1 thì phải xử phạt thật nghiêm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo sự công bằng giữa các DN. Bộ Tài chính, Bộ GTVT, các sở ngành đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này mà vẫn chưa thực hiện nghiêm túc là không thể chấp nhận. Vì vậy, không còn lý do gì để nương nhẹ đối với các DN này.

Hiện nay, có hiện tượng DN nhìn nhau để giảm giá. Các DN nhỏ nhìn vào các DN lớn để giảm giá theo. Ngoài ra, sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng về giá cước vận tải còn lỏng lẻo. Dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng dường như rất ít cơ quan hậu kiểm việc thực thi.

- Sau đợt giảm giá xăng dầu ngày 21-1 vừa qua, Hiệp hội có tiếp tục kiến nghị các DN giảm giá cước vận tải?

- Sau đợt giảm giá ngày 21-1, chúng tôi sẽ đề nghị các DN vận tải, nếu trước đó đã giảm giá từ 5-10% thì tạm thời giữ nguyên giá cước, hoạt động bình thường. Còn, với những DN chưa chịu giảm giá hoặc giảm chưa phù hợp buộc phải tính toán lại giá thành, để giảm cước phù hợp.

- Vừa qua Hiệp hội có đề xuất Sở Tài chính trợ giá xe Tết chiều chạy rỗng, tại sao lại có kiến nghị như vậy trong bối cảnh xăng dầu giảm giá mạnh?

- Đề xuất trợ giá là hoàn toàn đúng, không những Việt Nam mà thế giới cũng đã làm từ lâu. Cơ quan chức năng muốn DN huy động thêm xe để giải tỏa khách những ngày lễ, Tết thì phải trợ giá thỏa đáng chiều xe chạy rỗng. Tuy vậy, Hiệp hội cũng đề xuất với Sở Tài chính chỉ xem xét trợ giá cho những DN đã giảm giá cước vận tải phù hợp với mức giảm giá xăng dầu, còn với những đơn vị không giảm cước sẽ không nằm trong diện được trợ giá.

Thực chất của việc trợ giá chính là bảo vệ người dân. Nếu không trợ giá, các DN lại không được tăng giá cước trong dịp nghỉ Tết sẽ dẫn đến tâm lý ngại huy động xe để giải tỏa khách những ngày cao điểm. Bên cạnh đó, trợ giá tạo sự công khai, minh bạch, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng nhà xe bắt khách dọc đường và tự ý tăng giá vé khi khách đã lên xe.