Xin cấp phép một nội dung công việc, doanh nghiệp phải qua 10 đầu mối

ANTD.VN - Theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo- Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM), trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH thì nay phải xin giấy phép của 10 Bộ với cùng một nội dung công việc.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực lao động chưa thực chất

Chia sẻ tại hội thảo “Điều kiện kinh doanh và quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực lao động: Một số vấn đề và yêu cầu cải cách” diễn ra sáng nay (4-12), bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho rằng, việc cắt bỏ quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này còn ít, chủ yếu giảm số lượng nhân sự hoặc quy mô, cơ sở vật chất…

Đáng chú ý, điều kiện kinh doanh còn thể hiện “sự chia phần” quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Đơn cử như trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, trước đây, các doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ LĐ-TB&XH thì nay phải xin giấy phép của 10 Bộ với cùng một nội dung công việc.

Phân công thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 10 Bộ quản lý chuyên ngành, gồm: LĐ-TB&XH, Xây dựng, Công Thương, NN&PTNT, KH&CN, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Y tế.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo cho biết: “Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các Bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo doanh nghiệp phải trả phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/ người”.

Theo ông Nguyễn Minh Quân- Công ty CP Kiểm định kỹ thuật an toàn quốc gia, “miếng bánh” về kiểm định chia đều cho các bộ ngành quản lý, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp. “Do vậy, cần phải có sự thay đổi, xem lại để tạo sự chuẩn hoá về mặt quy chuẩn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi và phát triển”- đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, danh mục hàng phải kiểm định quá nhiều. “Do vậy, chỉ nên tập trung kiểm định đối với hàng hoá có nguy cơ mất an toàn cao và sử dụng dành cho mục đích công cộng; Cần loại bỏ các thiết bị áp lực thể tích và áp suất nhỏ, các thiết bị nâng công suất nhỏ, các thiết bị sử dụng nội bộ, không dành cho cộng đồng. Từ đó rà soát danh mục hàng hoá tiến tới cắt giảm”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Thừa nhận thực tế nêu trên, ông Vũ Tiến Thành- Trưởng phòng quản lý an toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đang sửa đổi các quy định có nội dung bất cập nêu trên, nhưng hiện Bộ này không nhận được đề xuất sửa đổi của các Bộ liên quan.