Xăng tăng giá liên tiếp, doanh nghiệp vận tải đứng ngồi không yên

ANTD.VN - Mặc dù rất muốn tăng cước vận tải xong các doanh nghiệp vận tải lại phải “nhìn trước ngó sau” vì cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.

Các hãng vận tải “đứng ngồi không yên” với diễn biến giá xăng dầu

Hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu đã tăng 5 lần liên tiếp, tổng mức tăng khoảng 1.750 đồng/lít. Các doanh nghiệp vận tải đang “đứng ngồi không yên” với diễn biến giá cả này.

Sức ép từ giá xăng dầu

Từ 15h ngày 20-9, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, giá xăng RON 92 đã vượt mốc 18.000 đồng/lít và đây là lần tăng giá xăng dầu thứ năm liên tiếp trong 2 tháng qua. Như vậy, tính từ đầu năm 2017, với 7 lần tăng giá (thêm 2.934 đồng/lít) và 7 lần giảm (bớt được 2.682 đồng/lít), 3 kỳ điều chỉnh giữ nguyên giá, giá xăng đã tăng thêm 261 đồng/lít so với cuối năm ngoái.

Vì chi phí xăng dầu chiếm khoảng 40% giá thành vận tải nên nếu như trước đây, khi giá xăng dầu chỉ tăng khoảng 5%, các doanh nghiệp vận tải đã xem xét để điều chỉnh cước vận chuyển để bù đắp chi phí, thì sau những lần điều chỉnh giá bán mặt hàng đầu vào sản xuất này trong những lần gần đây, giá xăng đã tăng đến 10,8%, dầu tăng 8,6% mà các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có động tĩnh gì. 

Anh Nguyễn Văn Sâm - chủ một doanh nghiệp vận tải tuyến Bắc Giang - Yên Nghĩa cho hay: “Chúng tôi muốn tăng giá nhưng còn phải nghe ngóng xem các nhà xe khác thế nào. Dịch vụ vận tải ngày càng cạnh tranh khốc liệt, tăng giá là khách chọn nhà xe khác ngay. Tuy nhiên, không tăng giá thì rất mệt mỏi, vì không chỉ xăng dầu mà chúng tôi còn chịu nhiều khoản thuế, phí”. 

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Tình - làm nghề “xe ôm” chia sẻ: “Lâu nay khách hàng cũng kén chọn xe lắm, chúng tôi không dám nói thách quá. Trước đây giá xăng tăng thì cước “xe ôm” tăng ngay, không phải phụ thuộc giá cước như vận tải bằng ô tô nhưng giờ cũng phải đắn đo”.

Lo cạnh tranh hơn

Ông Đinh Quang Sáu - Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng taxi Hương Lúa cho biết: “Giá xăng dầu đã tăng đáng kể, nhưng chúng tôi chưa có ý định tăng cước, bởi lẽ giờ phải cạnh tranh với taxi công nghệ như: Uber, Grab gay gắt quá. Chưa tăng cước vận tải thì lượng khách đã giảm 40% so với trước đây rồi”. 

Theo ông Đinh Quang Sáu, taxi công nghệ đang chiếm ưu thế bởi các chương trình khuyến mãi liên tục, thái độ phục vụ khách văn minh, chuyên nghiệp và xe không gắn phù hiệu taxi nên khách thấy thoải mái hơn. “Cạnh tranh là quy luật của thị trường, doanh nghiệp phải chấp nhận thôi. Chúng tôi đang tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí, duy trì cước, đồng thời cũng thuê phần mềm công nghệ ứng dụng để gọi xe, tính cước…” - đại diện taxi Hương Lúa chia sẻ.

Khá thận trọng khi trả lời về dự định liên quan tới giá cước của các doanh nghiệp trong hiệp hội, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nói: “Các doanh nghiệp đang tính toán, cân nhắc điều chỉnh cước cho “đủ liều”. Giá xăng vừa tăng xong đã tăng cước vận tải ngay, nhỡ mai kia giá xăng lại diễn biến theo chiều hướng giảm, thì không lẽ lại giảm giá? Làm như vậy người dân phản đối ngay. Đợi xem giá xăng tăng ổn định chưa đã”. Tuy nhiên, vị đại diện Hiệp hội này cũng thừa nhận các doanh nghiệp đang phải “gồng mình chịu đựng”.

Theo đại diện một doanh nghiệp vận tải, thực tế doanh nghiệp rất muốn tăng giá cước, nhưng vì sức ép cạnh tranh, cộng với việc mỗi lần điều chỉnh cước, doanh nghiệp phải làm nhiều thủ tục, phiền hà, tốn kém nên họ còn cân nhắc.