Xăng dầu tăng giá - hàng hóa “leo thang”

(ANTĐ) - Sau nhiều lần cố gắng “trì hoãn”, giá xăng, dầu đã tăng từ 11h ngày 22-11. Mặc dù  mức điều chỉnh lần này còn thấp hơn nhiều so với giá thế giới nhưng cũng đủ “chồng” thêm mối lo giá cả vốn đã đắt đỏ sẽ tiếp tục “leo thang” do hiệu ứng dây chuyền.

Xăng dầu tăng giá - hàng hóa “leo thang”

(ANTĐ) - Sau nhiều lần cố gắng “trì hoãn”, giá xăng, dầu đã tăng từ 11h ngày 22-11. Mặc dù  mức điều chỉnh lần này còn thấp hơn nhiều so với giá thế giới nhưng cũng đủ “chồng” thêm mối lo giá cả vốn đã đắt đỏ sẽ tiếp tục “leo thang” do hiệu ứng dây chuyền.

Tác động dây chuyền

Mức tăng giá xăng, dầu lần này được coi là cao nhất kể từ trước đến nay. Do vậy, sự tác động đến chi phí đầu vào các ngành sản xuất, kinh doanh và giá cả tiêu dùng là không nhỏ. Theo tính toán của Liên bộ Tài chính - Công thương, mức tác động đến chi phí đầu vào sẽ từ  0,11% đến 10,8%.

Theo ông Ngô Trí Long - Phó Tổng biên tập Tạp chí Thị trường - giá cả, việc tăng giá xăng, dầu trong nước là tất yếu bởi “gánh nặng bù lỗ” đã quá sức chịu đựng của ngân sách.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả vốn đã tăng cao và có xu hướng “leo thang” vào dịp cuối năm thì đây quả là một tác động không nhỏ, tới không chỉ những ngành trực tiếp sử dụng dầu, xăng mà còn tới hầu hết các lĩnh vực khác bởi liên quan đến chi phí vận chuyển.

Một trong những ngành chịu tác động trực tiếp, đó là kinh doanh vận tải. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, mặc dù không bất ngờ trước việc tăng giá xăng dầu lần này nhưng Hiệp hội cũng rất lúng túng.

Trong kinh doanh vận tải (chủ yếu sử dụng dầu), chi phí về dầu chiếm khoảng 50% chi phí chung. Do vậy, chi phí vận tải hàng hóa, chi phí lưu thông chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn và doanh nghiệp khó có thể giữ được giá cước.

Theo tính toán của ông Hùng, với mức giá xăng, dầu mới này, giá cước vận tải tăng ít nhất sẽ là 10%. Và cước vận tải tăng chắc chắn sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác và tác động trực tiếp đến người dân.

Còn theo tính toán của ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, từ nay đến cuối năm, chi phí của ngành thép sẽ phải tăng thêm khoảng 40 tỷ đồng do giá dầu tăng. Như vậy, trung bình, chi phí để sản xuất mỗi tấn thép sẽ tăng thêm khoảng 100.000đ.

Trong khi đó, giá thép nhập khẩu hiện đang ở mức rất cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Ngay sau khi giá xăng, dầu trong nước tăng, một số doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh giá thép với mức tăng khoảng 100.000-150.000đ/tấn.

Giá than tới đây chắc chắn cũng sẽ tăng. Đó là thông tin được ông Đoàn Văn Kiển - Tổng Giám đốc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam cho phóng viên Báo ANTĐ biết chiều 23-11.

Xe cũ vừa tốn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường
Xe cũ vừa tốn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường

Theo ông Kiển, quá trình sản xuất than cũng phải sử dụng tỷ lệ dầu nhất định, do vậy, việc giá dầu tăng tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào của ngành này. Ngành than cũng đã báo cáo Bộ Tài chính về việc tăng giá than tới đây. Tuy nhiên, ông Kiển từ chối cho biết mức tăng giá cụ thể.

Một lĩnh vực “dịch vụ” chịu tác động đáng kể của xăng tăng giá là “xe ôm”. Anh Trần Quốc Khánh, lái “xe ôm” tại phố Lê Duẩn không giấu sự lo lắng bởi mức tăng giá (xăng, dầu) lần này là quá cao và cũng rất bất ngờ. “Trước đó, tôi đã được nghe thông tin, xăng dầu sẽ không tăng giá từ nay đến hết Tết Nguyên đán.

Vậy mà lần này lại còn tăng đến 1.700đ/lít thì quả là khó cho chúng tôi quá. Bây giờ mà tăng giá “dịch vụ” thì sợ mất khách, mà không tăng thì có mà... “chết đói” - anh Khánh bộc bạch.

Tiết kiệm chi phí, đổi mới công nghệ: Không dễ

Trong những lần giá xăng tăng trước đây, rất nhiều ngành sản xuất không sử dụng xăng cũng đua nhau tăng giá. Thậm chí, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá, trong đó có việc cắt giảm thuế nhưng giá cả cũng không hề “nguội” đi.

Đánh giá về vấn đề này, ông Ngô Trí Long cho rằng, một trong những nguyên nhân, đó là công tác kiểm tra, kiểm soát chưa được chặt chẽ, sát sao. Bên cạnh đó, xét sâu xa hơn, đó là hậu quả của nền kinh tế.

“Bởi so sánh với các nước cùng chịu tác động của mặt bằng giá thế giới thì mức lạm phát của chúng ta là cao hơn cả thì rõ ràng phải xét đến năng suất của nền kinh tế. ở  cùng một mức chi phí, nhưng nếu năng suất cao hơn thì giá cả sẽ đỡ “đắt đỏ” hơn” - ông Long nói.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá nhấn mạnh, các doanh nghiệp buộc phải tiết kiệm tối đa chi phí, đổi mới công nghệ. Chẳng hạn, với Tổng Công ty Xi măng Hà Tiên, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ sử dụng than thay cho dầu hiện nay.

Tuy nhiên, việc thay đổi công nghệ không dễ thực hiện được trong một sớm một chiều. Ông Phạm Chí Cường cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thép đều khá mạnh dạn đầu tư thiết bị hiện đại nhằm giảm tối đa tiêu hao năng lượng, tiêu hao dầu, nhằm tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, cần phải có vốn và thời gian. Do vậy, giá thép sẽ tăng là vì vậy. Tương tự như vậy, ông Kiển cho biết, ngành than cũng đang nỗ lực cải thiện công nghệ, trong đó đưa thêm phụ gia để có thể giảm bớt dầu trong quá trình sản xuất, đồng thời rà soát nhằm giảm thấp nhất chi phí, từ khâu sản xuất, kinh doanh.

“Tuy nhiên, nhiều nhiên liệu đầu vào của thế giới đã thiết lập mặt bằng giá mới thì chúng ta khó có thể đi ngược xu thế. Giá than cũng phải tăng là đương nhiên” - ông Kiển khẳng định.

Bảo Nguyên