Xăng dầu sản xuất trong nước sắp chiếm đến 90% nhu cầu thị trường

ANTD.VN - Nếu vận hành 100% công suất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ chiếm đến 90% nhu cầu trong nước.

Việt Nam giảm phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu

Ngày 23-12-2018, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã chính thức được đi vào vận hành thương mại.

Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay, lên tới trên 9 tỷ USD. Công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô/ngày, hoàn thành và vận hành thương mại sau 5 năm thi công.

Theo tin từ Bộ Công Thương, tháng 6-2018, tất cả các phân xưởng công nghệ đã được khởi động thành công theo quy trình. Từ đó đến nay, Nhà máy đã chế biến khoảng 5 triệu tấn dầu thô để đã sản xuất ra những sản phẩm thương mại đầu tiên gồm xăng RON 92, RON 95 và dầu diesel để cung ứng cho thị trường.

Theo kế hoạch, khi đạt 100% công suất vận hành, tương đương 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng được 40% thị trường nhiên liệu trong nước, các sản phẩm hóa dầu chiếm khoảng 17% tổng sản lượng sẽ được xuất bán ở thị trường nước ngoài.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: “Cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sản lượng xăng dầu cung cấp từ 2 nhà máy lọc dầu sẽ đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu”.

Năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 8 tỷ USD xăng dầu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, Malaysia là thị trường cung cấp xăng dầu lớn nhất cho Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018, với 3,12 triệu tấn, tương đương 1,97 tỷ USD, chiếm 29% trong tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước.

Giá nhập khẩu tăng mạnh 34,5%, đạt trung bình 633,2 USD/tấn. Riêng tháng 11-2018 nhập khẩu 255.507 tấn, tương đương 160,56 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 5,5% về kim ngạch so với tháng trước đó.

Trong tháng 11-2018, xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng nổi bật với mức tăng đột biến so với tháng 10-2018, đạt 53.871 tấn, tương đương 37,5 triệu USD; nâng lượng xăng dầu nhập khẩu từ thị trường này trong 11 tháng đầu năm lên 2,38 triệu tấn, tương đương 1,76 tỷ USD, chiếm 22,3% trong tổng lượng và chiếm 24,3% trong tổng kim ngạch...

Giá nhập khẩu đạt trung bình 736,8 USD/tấn, tăng 18,4%.

Ngược lại, nhập khẩu xăng dầu từ Singapore trong  tháng 11-2018 lại sụt giảm rất mạnh 38,3% về lượng và giảm 45,6% về kim ngạch, đạt 80.731 tấn, tương đương 50,09 triệu USD.

Tính chung cả 11 tháng đầu năm, nhập khẩu từ thị trường này cũng sụt giảm mạnh 44,3% về lượng và kim ngạch giảm 27,6% so với cùng kỳ, đạt 2,27 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Giá nhập đạt 644,8 USD/tấn, tăng 29,9%. 

Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc, Thái Lan…