Website thương mại điện tử: Thiên đường của "hàng hiệu" giá bèo

ANTD.VN - Mua sắm thuận tiện, hàng gì cũng có, giá nào cũng có là những ưu điểm nổi bật mà website thương mại điện tử đem lại cho người tiêu dùng hiện đại so với phương thức mua sắm truyền thống. Tuy nhiên, vì là “siêu chợ”, nên hàng hóa trong nhiều trường hợp bị buông lỏng về chất lượng, xuất xứ… khiến khách hàng bất bình.

Website thương mại điện tử: Thiên đường của "hàng hiệu" giá bèo ảnh 1

Giày hiệu có giá chỉ từ 230.000 đồng/đôi trên website thương mại điện tử

Thả nổi chất lượng hàng hóa

Chỉ với từ 230.000 đồng, khách hàng có thể mua được 1 đôi giày thể thao nữ hiệu Nike, Adidas… tại website thương mại điện tử enbac.com. Trong khi đó, đôi giày hàng hiệu “xịn” nếu mua vào thời điểm được giảm giá vẫn lên tới hàng triệu đồng/đôi.

Chủ một shop kinh doanh trên website thương mại điện tử cho biết: “Khi tham gia sàn, chúng tôi cũng phải cam kết về chất lượng hàng hóa, trách nhiệm với khách hàng. Hàng này do mua vào lúc giảm giá với số lượng lớn nên được giá rẻ, không phải hàng nhái”.

Tại website lazada.vn, mục túi xách nữ có rao bán túi xách cùng hình và chữ Chanel với giá chỉ 159.00 đồng/sản phẩm…

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều những mặt hàng cùng thương hiệu, nghi là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được bán trên các website thương mại điện tử hiện nay. Thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, Lazada.vn được biết đến là website thương mại điện tử có nhiều khiếu nại của khách hàng gửi đến Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhất.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng này cho biết: “Trong năm 2017, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi mua hàng tại Lazada.vn. Theo đó, các vụ việc chủ yếu tập trung vào các hành vi như: chậm giao hàng, giao hàng không đúng như quảng cáo, giao hàng cũ/đã qua sử dụng, không xuất hóa đơn, tự động hủy đơn hàng, quảng cáo giảm giá nhưng người tiêu dùng phải mua với giá chưa giảm...”.

Tương tự, các website thương mại điện tử khác cũng bị khiếu nại vì thông tin sai về xuất xứ hàng hóa. Theo đó, một số tổ chức, cá nhân bán các hàng hóa không có xuất xứ hoặc xuất xứ từ các quốc gia khác với các quốc gia được quảng cáo. Cụ thể, là hàng xuất xứ Trung Quốc nhưng thông tin là hàng Nhật, Mỹ…

Gần đây nhất là vụ việc Shopee bán sản phẩm "bản đồ cắm cờ các nước" cho trẻ em có "đường lưỡi bò" của Trung Quốc, bị khách hàng phản ứng dữ dội.

Thực trạng này cho thấy, các website thương mại điện tử đang thả nổi chất lượng hàng hóa của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn này, dẫn đến khách hàng khiếu nại về chất lượng, xuất xứ hàng hóa.

Website thương mại điện tử: Thiên đường của "hàng hiệu" giá bèo ảnh 2

Lazada bị nhiều khách hàng phàn nàn về hàng hóa

Vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến

Theo đại diện một sàn thương mại điện tử, có hàng nghìn người kinh doanh với hàng vô số hàng hóa trên các sàn này. Sàn có đặt ra các điều kiện với người kinh doanh, về chất lượng, xuất xứ, cam kết với khách hàng… nhưng do số lượng quá lớn, hàng hóa lại thuộc nhiều lĩnh vực nên sàn không kiểm soát hết được.

“Sàn giao dịch thương mại điện tử liên tục nhận được khiếu nại của khách hàng cũng vì lý do này”- vị này cho biết.

Trong khi đó, một bộ phận khách hàng chấp nhận dùng hàng giả, hàng nhái thương hiệu vì giá tiền phù hợp. Chỉ một bộ phận rất nhỏ khách hàng có kiến thức mới không dùng những sản phẩm này, hoặc phát hiện ra sai phạm trên hàng hóa.

Tuy nhiên, chỉ với số lượng khiếu nại không lớn này đã khiến hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam chưa phát triển như mong muốn, đặc biệt là lòng tin của người tiêu dùng vào hình thức mua sắm này chưa cao. 

Tại hội thảo mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), bà Nguyễn Như Quỳnh- Phó Chánh thanh tra Bộ KH-CN cho biết, trong giai đoạn 2012-2015, có 98,37% các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được xử lý bởi cơ quan hành chính. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử chủ yếu do Thanh tra Bộ KH-CN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương)… xử lý.

“Ba hành vi vi phạm chủ yếu là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; cạnh tranh không lành mạnh trong tên miền; quảng cảo xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” – bà Nguyễn Như Quỳnh cho biết.

Theo dự báo của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm sẽ tăng trưởng khoảng 22%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.

 Vì thế, theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Việt Nam cần có nhiều hơn các chính sách, quy định để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả.