Vượt chướng ngại trên "đường cao tốc" EVFTA nối Việt Nam với Liên minh châu Âu

ANTD.VN - Được ví như “đường cao tốc” nối Việt Nam với EU, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đang được kỳ vọng mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hai bên. Đối với Việt Nam, tuyến đường cao tốc này sẽ đưa hàng hóa đặc sản trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại. Tuy vậy, không có con đường nào trải hoa hồng. 

Quá nhiều cơ hội

Nhắc đến các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), chắc chắn mọi người sẽ liên tưởng ngay đến việc hàng hóa của các bên tham gia sẽ được giảm thuế theo lộ trình. EVFTA cũng không phải là ngoại lệ. Ngày 12-2-2020, ngay sau khi EVFTA được Nghị viện châu Âu thông qua, ông Nicolas Audier - Chủ tịch của EuroCham cho biết, hiệp định này sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. Sẽ có 2/3 (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam được tự do hóa ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình mười năm tới. EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Ưu đãi về thuế này sẽ giúp doanh nghiệp 2 bên đưa hàng hóa vào thị trường dễ dàng hơn, cạnh tranh hơn. 

Theo tính toán sơ bộ của Bộ NN&PTNT, EVFTA có thể mang lại thêm trên 1 tỷ USD/năm cho ngành này. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho hay, EU nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD/năm mặt hàng nông sản.

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng về nông nghiệp, hiện mỗi năm mới xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 40 tỷ USD, riêng thị trường EU đạt trên 5 tỷ USD, cho thấy Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

“Đặc biệt, thu nhập trung bình của người dân EU đạt gần 90.000 USD/người/năm, họ sẵn sàng trả giá cao cho hàng hóa chất lượng cao hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không những về số lượng mà còn về chất lượng, hướng tới nền nông nghiệp giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về con người và bảo vệ môi trường”- ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.

Đặc biệt hơn, EVFTA là hiệp định đầu tiên trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia cam kết giảm thuế cho cả hàng nông sản chế biến. Đây là cơ hội tốt cho hàng nông sản chế biến của Việt Nam khi đưa hàng sang thị trường này. Tương tự, các chuyên gia cũng đánh giá EVFTA mang lại cơ hội cho hàng dệt may, da giày, thủy hải sản… của Việt Nam xuất khẩu với lợi thế gia tăng ước tính hàng tỷ USD/năm.

Tuy vậy, cơ hội từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ là phần nổi, có thể tính toán được bằng con số và chưa mang tính bao quát cho những cơ hội từ hiệp định này mang lại. Phần chìm là động lực thúc đẩy để nền kinh tế Việt Nam cải cách, tiến bộ cũng rất lớn. Ở góc độ vĩ mô, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, EU là thị trường lớn của Việt Nam, có tiềm năng tài chính tốt và trình độ công nghệ cao.

EVFTA có tiêu chuẩn rất cao nên việc hiệp định này được thông qua sẽ đặt yêu cầu cải cách cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế Việt Nam đạt chuẩn mực cao nhất của thế giới về thương mại và đầu tư. Từ đó, Việt Nam sẽ có nhiều kinh nghiệm và cơ hội hơn khi tham gia các thị trường, các khu vực khác.

“Khi ký kết hiệp định này, bên cạnh việc mở ra không gian thị trường còn là động lực thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều biến động thì đảm bảo tính tự chủ, tính chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các biến động là yêu cầu quan trọng. EVFTA mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam ra thị trường EU, giúp Việt Nam có cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào thị trường truyền thống xung quanh. Đó là điều đảm bảo cho kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

Phải vượt được rào cản

Đánh giá cao những cơ hội do EVFTA mang lại nhưng ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, Việt Nam tham gia FTAs thế hệ mới sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn.

Riêng với EVFTA, mặc dù 2 nền kinh tế có tính chất bổ sung, ít cạnh tranh với nhau nên thách thức từ việc giảm thuế cho hàng hóa EU vào Việt Nam sẽ không gây xáo trộn quá lớn. Tuy vậy, EU là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất ra sản phẩm, yêu cầu cao về lao động nên doanh nghiệp Việt Nam không dễ để vượt qua rào cản này.

“Thị trường EU có tiêu chuẩn rất khắt khe, chẳng hạn như không sử dụng lao động trẻ em, thủy hải sản không chỉ dư lượng kháng sinh mà việc đánh bắt còn phải không làm cạn kiệt tài nguyên… Doanh nghiệp phải tự đổi mới bản thân, đồng thời giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để vượt qua thách thức” - ông Lương Hoàng Thái nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn lấy ví dụ, riêng ngành nông nghiệp, cơ hội trong EVFTA rất lớn, song trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp của ta còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa theo chuỗi liên kết thì muốn khai thác được ưu đãi cũng khó. Bên cạnh đó, một số ngành cũng sẽ khó cạnh tranh như chăn nuôi, mía đường… 

Theo ông Vũ Tiến Lộc, vượt qua thử thách của EVFTA là một hành trình gian nan. “Trước hết, chúng ta phải vượt qua quy định về xuất xứ hàng hóa. Nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phần lớn nhập từ Trung Quốc và ASEAN chứ không phải từ EU nên yêu cầu xuất xứ là “barie” đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua, đặc biệt là dệt may và giày dép, 2 mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang EU. Hai là hàng rào kỹ thuật, quy định vệ sinh dịch tễ cao, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu, còn phải nỗ lực đầu tư, quy trình quản lý đáp ứng tiêu chuẩn còn khó khăn. Chưa kể, các nước EU còn dựng hàng rào khá vững bằng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa của họ. Cuối cùng, nền tảng năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa Việt Nam mới đều ở mức trung bình thế giới. Vươn đến châu Âu , cạnh tranh với châu Âu là cạnh tranh với nền kinh tế hàng đầu thế giới nên ta có khoảng cách khá lớn” - ông Vũ Tiến Lộc phân tích.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, gốc rễ của vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh là phải bắt đầu từ cải cách thể chế, bắt đầu từ việc cải cách mạnh mẽ hơn điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính… “EVFTA mở con đường cao tốc nối Việt Nam với EU thì trong nước, ta phải mở “con đường cao tốc” kết nối chính quyền với doanh nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần giải bài toán về chất lượng nguồn nhân lực để hấp thụ được nguồn vốn đầu tư chất lượng cao; Đầu tư cơ sở hạ tầng tốt hơn, phương cách làm ăn chuyên nghiệp hơn, tránh chộp giật, kém hiệu quả.  

EVFTA là hiệp định đầu tiên trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia cam kết giảm thuế cho cả hàng nông sản chế biến. Đây là cơ hội tốt cho hàng nông sản chế biến của Việt Nam khi đưa hàng sang thị trường này. Tương tự, các chuyên gia cũng đánh giá EVFTA mang lại cơ hội cho hàng dệt may, da giày, thủy hải sản… của Việt Nam xuất khẩu với lợi thế gia tăng ước tính hàng tỷ USD/năm.