Vụ nổ "Big bang" chứng khoán toàn cầu đầu năm

ANTD.VN - Phiên giảm điểm kỷ lục trong 6 năm qua của thị trường chứng khoán Mỹ được ví như một vụ nổ “Big bang”, đẩy chứng khoán toàn cầu ngập chìm trong sắc đỏ sụt giảm, khiến hàng nghìn tỷ USD “bốc hơi”.

Vụ nổ "Big bang" chứng khoán toàn cầu đầu năm ảnh 1Phiên giảm điểm kỷ lục trong 6 năm qua khiến nhà đầu tư Mỹ hoang mang

Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày 5-2 bằng phiên giảm điểm kỷ lục trong vòng 6 năm qua sau khi giới đầu tư đồng loạt quyết định bán tháo. Theo đó, trong phiên giao dịch “ngày thứ hai đen tối” 5-2, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm tới gần 1.600 điểm - mức giảm điểm trong ngày lớn nhất lịch sử, tương đương 6%, trước khi chốt phiên ở mức 1.175,21 điểm, tương đương giảm 4,6%. Đây là mức giảm nhiều nhất của chỉ số Dow Jones kể từ tháng 8-2011.

Theo Bloomberg, cơn bán tháo ồ ạt diễn ra trên thị trường chứng khoán Mỹ đã làm “bốc hơi” 114 tỷ USD tài sản của những đại gia giàu có nhất thế giới. Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway, tỷ phú giàu thứ ba thế giới, ông Warren Buffett thiệt hại nặng nề nhất, mất 5,1 tỷ USD chỉ trong một ngày. Tỷ phú chịu thiệt hại lớn thứ hai là ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, mất 3,6 tỷ USD. Trong khi đó, khối tài sản kếch xù của người giàu nhất thế giới - CEO    Amazon Jeff Bezos - cũng mất 3,3 tỷ USD, xuống còn 116,4 tỉ USD do cổ phiếu của gã khổng lồ bán lẻ này giảm 2,8% trong “Ngày thứ hai đen tối”. 

Dù vậy, nhìn nhận về phiên giảm điểm khiến các nhà đầu tư chứng khoán “phát điên”, giới phân tích cho rằng không nên quá hoảng loạn bởi sự sụt giảm kỷ lục này là việc bán tháo kiếm lời do lợi tức trái phiếu tăng mạnh cũng như giá trị cổ phiếu tăng lên mức kỷ lục vào tháng 1-2018. Việc thị trường điều chỉnh giảm, dù ở mức giảm kỷ lục, cũng không quá bất thường sau khi các chỉ số Dow Jones và S&P500 lên mức cao nhất trong 2 năm vào ngày 26-1 vừa qua do chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump được thông qua hồi tháng 12-2017.

Chia sẻ nhận định trên nên bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), nhiều người dân Mỹ tỏ qua không quá lo lắng với lý do thị trường đang trong quá trình điều chỉnh “bình thường”.

Cùng ngày 5-2-2018, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố trấn an khi khẳng định Tổng thống Donald Trump hiện tập trung vào “tình hình sức khỏe dài hạn của nền kinh tế”, khẳng định những yếu tố nền tảng kinh tế Mỹ vẫn  “hết sức mạnh mẽ” như tăng trưởng lành mạnh, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất lịch sử và lương người lao động tăng...

Tuy nhiên, nhận định của giới phân tích cũng như trấn an của chính quyền Tổng thống Donald Trump không đủ lực đỡ nên thị trường toàn cầu cũng ngập sắc đỏ bởi “dư chấn”. Một ngày sau phiên giảm điểm kỷ lục của Phố Wall, gần như toàn bộ thị trường lớn tại châu Á ngày 6-2 đều lao dốc. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại châu Á như Nikkei 225 (Nhật Bản) mất  5,26%; Kospi (Hàn Quốc) giảm 3%; chỉ số Hang Seng Index (Hong Kong, Trung Quốc) giảm 6,1%, mức mất điểm mạnh nhất 7 năm. Các thị trường khác tại châu Á, như Australia, New Zealand, Ấn Độ, Việt Nam hay Singapore đều đang đi xuống. Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index sau khi giảm kỷ lục 56,33 điểm khi chốt phiên giao dịch ngày 5-2 khiến vốn hóa thị trường “bay hơi” trị giá khoảng 8 tỷ USD thì sang ngày 6-2 tiếp tục giảm thêm 37,11 điểm (3,54%).

Sở dĩ chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc được cho là do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu bởi lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhanh hơn kỳ vọng và điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của các công ty và tác động lên thị trường trái phiếu. Cộng thêm là mối lo lạm phát có thể quay trở lại Mỹ khi báo cáo việc làm Mỹ cuối tuần trước cho thấy tốc độ tăng lương đang nhanh nhất kể từ 2009.