Vụ mở tờ khai xuất gạo lúc nửa đêm: Do Hải quan không nhận được quyết định của Bộ Công Thương?

ANTD.VN - Quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020. Thế nhưng mãi đến 9h30 sáng ngày 11/4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử và phải đến ngày 13/4 mới nhận được bản chính thức.

"Vỡ trận" thu mua gạo dự trữ: Bộ Công Thương không tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính

Thông tin mới nhất liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo gây xôn xao dư luận thời gian qua, Tổng  cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính đã từng tham gia ý kiến với Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo và quy định hạn ngạch xuất khẩu gạo nhưng Bộ Công Thương không tiếp thu.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có hai lần tham gia ý kiến với Bộ Công Thương. Tại công văn số 3905/BTC-QLG ngày 03/4/2020, Bộ Tài chính có đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia.

Ngày 10/4/2020, Bộ Tài chính có tiếp công văn số 4355/BTC-QLG, cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn.

Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những doanh nghiệp đã trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và phải ký hợp đồng giao hàng xong. Chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15/6/2020...

Không được ký hợp đồng xuất khẩu gạo tẻ thường mới (kể cả phụ lục hợp đồng làm thay đổi số lượng gạo xuất khẩu), tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường đến hết 15/6/2020...

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đang có sự "lệch pha" trong vấn đề xuất khẩu gạo

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng nêu rõ: Theo phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất.

Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất hai phương án: Phương án 1, giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các doanh nghiệp có sự giám sát của Bộ Công Thương; Phương án 2, giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

“Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu” – Tổng cục Hải quan cho biết.

Sáng 11/4 Hải quan mới nhận được Quyết định của Bộ Công Thương?

Về sự kiện mở hệ thống khai báo hải quan lúc 0h khiến DN không kịp trở tay, Tổng cục Hải quan cho biết, ngày 10/4, Bộ Công Thương công bố Quyết định số 1106/QĐ-BCT về hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020.

Đáng nói, Quyết định số 1106/QĐ-BCT có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020 nhưng mãi đến 9h30 sáng ngày 11/4 Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử; và tận đến ngày 13/4 cơ quan này mới nhận được bản chính thức.

“Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định nêu trên, Tổng cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0h ngày 12/4/2020.

Việc trừ lùi sẽ được Hệ thống tự động thực hiện ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến Hệ thống theo nguyên tắc tờ khai hải quan đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước và Hệ thống sẽ tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu (là 400.000 tấn), không có sự can thiệp của công chức hải quan” – Tổng cục Hải quan cho biết.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong thời gian từ 0h đến 6h15 ngày 12/4/2020 đã có 38 DN đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký tờ khai xuất khẩu 399.989,43 tấn. Trong đó có 1 DN đã đăng ký xuất khẩu 102 tờ khai, với 96.234 tấn. Thời điểm này, hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn, vì vậy, các DN tiếp tục đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn hơn 10,57 tấn thì không được hệ thống tiếp nhận.

Sau thời điểm 6h15 ngày 12/4, có thêm 2 DN (trong đó có 1 DN đã đăng ký tờ khai thời điểm trước đó) đăng ký 2 tờ khai với số lượng ít hơn 10,57 tấn thì được hệ thống tiếp nhận.

Trong số 39 DN đăng ký xuất khẩu có 4 DN từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng bán gạo với Cục Dữ trữ nhà nước khu vực nhưng đã đăng ký xuất khẩu, cụ thể: TCty lương thực Miền Bắc, Công ty CP XNK Thuận Minh, Công ty CP Mỹ Tường, Công ty TNHH Phát Tài.

Về phía mình, hiện nay, Bộ Công Thương chưa có phản hồi về phản ánh của Bộ Tài chính là “góp ý nhiều lần nhưng không tiếp thu”. 

Trong khi đó, tối 17-4, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo (sau đây gọi là Đoàn kiểm tra).

Đoàn kiểm tra do ông Trần Quốc Khánh- Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn; ông Phan Văn Chinh- Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương làm phó trưởng đoàn.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn có các thành viên là đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT); đại diện Lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT); đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; Cục An ninh kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) làm thành viên. 

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ làm việc với cơ quan hải quan và một số cơ quan có liên quan để nắm tình hình về lượng gạo hàng hóa tại các cảng, trên cơ sở đó, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 năm 2020 và phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5 năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Thời gian làm việc từ ngày 20-4 đến ngày 24-4-2020. Đoàn kiểm tra sẽ tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Cũng trong ngày ngày 17-4, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 3083 yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20-4. Đồng thời, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng ngày 20-4.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ cho phép ứng trước hạn ngạch xuất khẩu của tháng 5 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã có gạo nằm tại cảng có thể xuất khẩu được.

Về lâu dài, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Bộ Công Thương tính tới cơ chế phân bổ hạn ngạch hợp lý, trong đó có thể đấu giá hạn ngạch xuất khẩu gạo.