Vinfast, Trường Hải, Trung Nguyên… đã khẳng định tên tuổi tại thị trường quốc tế

ANTD.VN - Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt đã khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế.

Hàng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng

Trong số này, các doanh nghiệp tiên phong phải kể đến là: Vinfast, Trường Hải, Trung Nguyên, TH True Milk…

Tại thị trường nước ngoài, thông qua việc tổ chức tuần hàng trưng bày sản phẩm và kết nối với bộ phận mua hàng của các chuỗi phân phối tại Nhật Bản, Thái Lan, Philippinnes, Pháp, Hoa Kỳ... hàng Việt đã tiếp cận được với thị trường thế giới.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt của Big C hàng năm có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2012 là 21 triệu USD, năm 2014 là 27 triệu USD, năm 2015 là 30 triệu USD với chủng loại tương đối phong phú gồm hơn 800 mặt hàng từ 60 nhà cung cấp Việt Nam, cho 20 đối tác tại 13 nước trên thế giới.

Khi Tập đoàn Central Group tiếp quản Big C Việt Nam, kênh xuất khẩu hàng Việt qua hệ thống phân phối của Tập đoàn sang các nước đều đạt kim ngạch năm 2016 và 2017 trên 46 triệu USD.

Thông qua Tập đoàn AEON (Nhật Bản), năm 2016, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản qua hệ thống AEON đã đạt 200 triệu USD, trong đó hàng may mặc chiếm 69%, thực phẩm 20% và đồ gia dụng là 11%; năm 2018 là khoảng 250 triệu USD.

Tại thị trường Việt Nam, cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt. Tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Ví dụ, tại Co.opmart, tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 90-93%, tại Satra, tỷ lệ hàng Việt là 90-95%, Vissan 95%, Vinmart 63% theo mã hàng...

Hệ thống siêu thị nước ngoài tại Việt Nam năm 2018 cũng ghi nhận tỷ lệ hàng Việt khá cao, chiếm từ 60% đến 96%. Cụ thể, Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)...

Cuộc vận động cũng giúp một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.

Tuy nhiên, hàng Việt cũng đang phải cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa do tác động của các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, trong đó có hàng hóa từ Trung Quốc, đặc biệt là nhóm hàng nông sản.  

Tối nay (21-5), Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết và tôn vinh các tập thể, cá nhân đã có đóng góp tích cực trong 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.